Đề kiểm tra Ngữ văn: So sánh hai truyện ngắn 'Đói' và 'Một bữa no'

Câu nghị luận văn học đề kiểm tra Ngữ văn lớp 12 yêu cầu học sinh so sánh, đánh giá hai đoạn trích trong truyện ngắn 'Đói' (Thạch Lam) và 'Một bữa no' (Nam Cao).

ĐÓI (Thạch Lam)

(Lược đoạn đầu: Sinh là một thanh niên thất nghiệp, tay trắng. Mai - vợ chàng là người phụ nữ đẹp, dù yêu chồng nhưng do đói khổ nên cô đã hẹn hò với một khách làng chơi để lấy tiền mua thức ăn cho chồng. Sinh đang đói nhưng tình cờ phát hiện ra hành vi phản bội của vợ nên đã hất đổ gói đồ ăn xuống đất và mắng chửi Mai thậm tệ. Nhưng khi Mai bỏ đi thì cơn đói giày vò tới mức chàng không thể cưỡng được mùi vị của thức ăn.)

Cơn đói lại sôi nổi như cào ruột xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lan cả khắp người như nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy cái mùi ngậy béo của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận gan ruột, như thấm nhuần vào xương tủy.

Sinh cúi xuống nhìn vào gói đồ ăn tung tóe dưới bàn: chàng lấm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng đấy nữa… Khẽ đưa tay như ngập ngừng sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào.

Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai kịp nuốt. Chàng nắm chặt miếng thịt trong tay, nhây nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì, luôn luôn đưa vào miệng.

Trong gói giấy đồ ăn đã hết chỉ còn những cái vụn nhỏ dính trên mặt giấy bóng mỡ. Sinh thấy nóng ran ở trong bụng. Chàng ưỡn người ra đằng sau khoan khoái thở dài. Nhưng rồi nhớ lại bức thư, cuốn giấy bạc, nhớ lại tiếng khóc thổn thức của Mai nép bên tường, nhớ lại những lời khinh bỉ mỉa mai chua xót. Chàng nhớ lại nỗi uất ức, đau đớn của mình…

Một cái chán nản mênh mông tràn ngập cả người. Sinh lại hai tay ôm đầu, cúi đầu khóc nức nở.

(Trích "Đói", Thạch Lam)

MỘT BỮA NO (Nam Cao)

(Lược đoạn đầu: Bà lão ấy có chồng mất sớm, cả đời cặm cụi nuôi con, đến khi lớn lên con trai lại bỏ bà ra đi. Người con dâu sau khi chịu tang chồng cũng bỏ bà và đứa con gái để đi tìm hạnh phúc mới. Bà đã nuôi đứa cháu nội (cái đĩ) trong nhiều năm liền. Nhưng rồi do quá khó khăn bà đã phải bán đứa cháu gái duy nhất cho nhà bà Phó làm con nuôi. Hôm ấy bà ra thăm cái đĩ, bà được ăn một bữa ăn cùng nhà bà Phó Thụ....)

... Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì.

Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo cái nồi vào lòng, nhìn, và bảo con bé cháu:

- Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?

- Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?

Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm.

Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!

(Trích "Một bữa no", Nam Cao)

Gợi ý đáp án

Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

Triển khai vấn đề nghị luận:

So sánh các đối tượng:

Nét tương đồng:

- Về nội dung: Cùng viết về cái đói của con người và cách con người đối diện với cơn đói. Từ đó làm nổi bật số phận nghèo khổ, đáng thương, tội nghiệp của con người trước Cách mạng. Hai tác phẩm đều thể hiện tấm lòng đồng cảm sâu sắc của nhà văn với số phận con người.

- Về nghệ thuật: Đều sử dụng ngôi kể thứ ba, đem đến tính khách quan cho câu chuyện, nhân vật được tô đậm ở hành động, ngôn ngữ giản dị, kết hợp vừa kể vừa tả tạo nên sự sinh động, hấp dẫn.

Nét khác biệt:

- Về nội dung: Đoạn trích (1) khai thác số phận đáng thương của con người: coi trọng nhân cách nhưng lại không thể thắng nổi bản năng thấp kém. Đoạn trích (2) tập trung tái hiện số phận đáng thương của con người bị tha hóa về nhân cách, vì cái đói mà bỏ qua lòng tự trọng để rồi cuối cùng phải chết. Cũng nói về cái đói, nhưng nhân vật lại chết vì no.

- Về nghệ thuật: Đoạn trích (1) thiên về miêu tả tâm lí nhân vật với những giằng xé giữa một bên là nhân cách, tự trọng, với một bên là cơn đói cồn cào buộc bản năng phải trỗi dậy còn đoạn 2 thiên về miêu tả hành động; Đoạn trích (1) sử dụng điểm nhìn bên ngoài kết hợp với bên trong còn đoạn trích (2) hầu như chỉ sử dụng điểm nhìn bên ngoài.

Lí giải sự tương đồng, khác biệt giữa hai văn bản:

- Giống nhau là bởi cả hai tác phẩm đều ra đời trước Cách mạng, khi con người, nhất là người lao động nghèo bị rẻ rúng, coi thường, phải chịu cảnh đói khổ. Cả hai nhà văn với sự am hiểu đời sống, gắn bó với số phận con người cùng với tấm lòng nhân đạo cao cả đã đem đến sự gặp gỡ chung trong trang viết của hai nhà văn.

- Khác nhau do: Cách nhìn, cách khám phá đời sống của mỗi nhà văn là khác nhau. Yêu cầu của văn chương là phải có sự sáng tạo.

Ý nghĩa của so sánh: Điểm giống nhau tạo nên sự thống nhất trong cách nhận thức phản ánh hiện thực xã hội cũ, điểm khác biệt tạo nên sự phong phú đa dạng cho nền văn học. Qua hai tác phẩm, hai nhà văn đều thể hiện niềm xót thương cho số phận nghèo khổ đáng thương của con người, lên tiếng cảnh báo về tình trạng đói nghèo có thể làm xói mòn nhân cách. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc của hai tác phẩm.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-kiem-tra-ngu-van-so-sanh-hai-truyen-ngan-doi-va-mot-bua-no-179250218104514007.htm
Zalo