Để giải ngân 95% kế hoạch vốn cần nỗ lực gấp nhiều lần
Ước giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của năm 2024 mới đạt 54,4% tổng kế hoạch, trong khi thời gian giải ngân vốn đang cạn dần. Trước thực tế này, bà Lương Thị Hồng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước - KBNN) nhận định, để giải ngân được 95% kế hoạch vốn, cần phải nỗ lực gấp nhiều lần.
Thưa bà, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm nay hiện ra sao?
Tổng số vốn đầu tư công năm nay, bao gồm vốn Thủ tướng Chính phủ giao, vốn địa phương giao tăng thêm và vốn các năm trước chuyển sang là trên 806.902 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao gần 680.076 tỷ đồng, vốn các địa phương giao tăng thêm trên 70.019 tỷ đồng và vốn những năm trước được phép giải ngân kéo dài trên 56.807 tỷ đồng.
Theo số liệu của KBNN, trong 11 tháng của năm mới giải ngân được khoảng 438.853 tỷ đồng, tương đương 54,4% tổng kế hoạch vốn. Vốn các năm trước chuyển sang đạt trên 49%; vốn năm 2024 đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với tỷ lệ đạt được cùng kỳ năm 2023 (trên 65%).
Thời gian còn lại để giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm nay còn rất ít, kết thúc vào ngày 31/1/2025, nhưng lại mất mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nên khối lượng công việc còn vô cùng lớn, chưa kể khoảng 70.019 tỷ đồng các địa phương giao tăng thêm so với kế hoạch.
KBNN là khâu cuối cùng - thanh toán vốn đầu tư. Hệ thống kho bạc sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?
Kiểm soát chi bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đặc biệt, chi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan kho bạc từ Trung ương đến địa phương. Vì thế, không phải chỉ năm nay, mà từ nhiều năm trước, áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nên ngay từ đầu năm, KBNN luôn luôn quan tâm đến nhiệm vụ trọng yếu này, nhất là thời kỳ hậu Covid-19.
Năm 2024 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021-2025, với lượng vốn được giao và tăng thêm rất lớn, cộng thêm vốn của các năm trước chuyển sang, nên nhiệm vụ kiểm soát chi càng được đặc biệt coi trọng. Ngay trước khi triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngày 13/12/2023, Tổng giám đốc KBNN đã ban hành Chỉ thị quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống kho bạc tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống kho bạc phải tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định; chấp hành đúng quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư đầy đủ, tận tình, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá một lần; phấn đấu thực hiện kiểm soát chi trước thời hạn quy định; tiếp tục thực hiện các quy định về tăng cường kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống kho bạc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Để giải ngân vốn đầu tư công là cả một quá trình, hầu như khâu nào cũng cố gắng, nhưng cần quan tâm tới những khâu nào, thưa bà?
Trong nhiều năm gần đây, nhất là kể từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư công, nên từ đầu năm đến nay, Thủ tướng liên tục ban hành chỉ thị, công điện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Riêng về việc phân bổ và giải ngân (khâu cuối cùng), tại Công điện 24/CĐ-TTg (ngày 22/3/2024), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu KBNN kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn nhà tài trợ; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tích hợp).
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc rà soát, tổng hợp giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trung ương năm 2024, bảo đảm đúng thời gian theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Thực hiện Công điện 24/CĐ-TTg, Tổng giám đốc KBNN đã yêu cầu công chức toàn hệ thống làm công tác kiểm soát chi nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.
KBNN nghiêm cấm công chức làm công tác kiểm soát chi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, công chức kiểm soát chi có trách nhiệm kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền; đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền thì phải tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Trước thực tế giải ngân hiện nay, Bộ Tài chính có biện pháp gì để tháo gỡ vướng mắc, thưa bà?
Như tôi đã nói, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ thị, điều hành nhằm thúc đẩy đầu tư công. Ngoài Công điện 24/CĐ-TTg, còn có Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 8/8/2024, Công điện 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024, Quyết định 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024... Mới đây là Công điện 115/CĐ-TTg ngày 7/11/2024 về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Nói chung, về cơ bản, giải pháp, cơ chế, chính sách đã đủ, vì vậy, tại hội nghị được tổ chức vào đầu tháng 12 này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Riêng đối với những vướng mắc kéo dài liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù đắp phần công địa còn thiếu hụt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ, đảm bảo đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ các dự án.