Để GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, then chốt là cải cách thể chế, có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân
Phát biểu tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, yếu tố quyết định để đạt mục tiêu này, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_338_51477935/338117082546cc189557.jpg)
Ảnh minh họa
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai -Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, phần lớn các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình và đánh giá cao quyết tâm nâng mục tiêu tăng trưởng GĐP năm 2025 lên hơn 8%. Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới các giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu này trong năm 2025 và các giải pháp dài hơi để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào các năm tiếp theo.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thảo luận tại Tổ 13](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_338_51477935/2b11029830d6d98880c7.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thảo luận tại Tổ 13
Phát biểu tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫnkhẳng định: Đây là Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì năm 2025 chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì giai đoạn 2026 - 2030 mới có thể đạt tăng trưởng 2 con số, tạo nền tảng cho trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Nhấn mạnh yếu tố quyết định để đạt mục tiêu này, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân. Bởi trong tổng mức đầu tư toàn xã hội thì đầu tư tư nhân chiếm 55%. Theo Chủ tịch Quốc hội, hầu hết các địa phương dựa vào nguồn ngân sách trung ương, nguồn ngân sách địa phương để đầu tư nên chưa có sự tăng trưởng mạnh. Khi đầu tư tư nhân phát triển thì sẽ đẩy nền kinh tế phát triển. Theo đó, quan trọng nhất là phải cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm thấy rằng Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ nhà đầu tư, người ta bỏ tiền đầu tư thực sự có hiệu quả.
![Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thảo luận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_338_51477935/a502968ba4c54d9b14d4.jpg)
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thảo luận
Cơ bản đồng tình với 6 nhóm giải pháp được Chính phủ nêu ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng nêu trên, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai,cho rằng: Cần phải phân loại các giải pháp theo nhóm, nhận diện được đâu là giải pháp tác động trực tiếp, đột phá, có hiệu quả ngay trong năm 2025 và các nhóm giải pháp có tính chất dài hạn để duy trì mức tăng trưởng 2 con số ở các năm tiếp theo.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, để tăng được 1% GDP, điều đầu tiên cần tính toán tới là nguồn lực từ đâu để thực hiện. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nguồn lực thứ nhất là đầu tư công, phải đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2025. Đồng thời kích thích được đầu tư tư nhân, nếu không sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu. Vấn đề này liên quan trực tiếp tới việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tăng nguồn vốn đầu tư. Năm 2025, chúng ta xây dựng tăng trưởng tín dụng 16%. Để đáp ứng tăng trưởng GDP hơn 8% thì cần sẵn sàng nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hơn; cần có sự vào cuộc của khối ngân hàng, đưa tiền vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An cũng quan tâm tới đề xuất của Chính phủ về nâng bội chi lên 4 đến 4,5% GDP và tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn nội dung này, bởi nếu nâng bội chi, tăng CPI sẽ có tác động như thế nào tới nền kính tế và đời sống nhân dân. "Chúng ta quan tâm tới mục tiêu tăng trưởng nhưng cũng cần tính toán tới khả năng trả nợ, và chỉ số giá tiêu dùng tác động tới đời sống người dân ra sao để đảm bảo phát triển nhan và bền vững", đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.