Để dòng vốn chảy vào trung tâm tài chính
Theo các chuyên gia, thành lập trung tâm tài chính quốc tế là việc cần phải làm. Tuy nhiên, không phải thành lập xong là dòng vốn 'ào ào chảy đến', mà phải có chính sách tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Trung tâm tài chính đóng vai trò chiến lược
Ông Richard D. McClellan- chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư, khẳng định trung tâm tài chính đóng vai trò chiến lược then chốt đối với một quốc gia. Bởi nó không chỉ là một vị trí địa lý hay cơ sở hạ tầng, mà là sự hội tụ của nhiều yếu tố quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế toàn diện.

Cần có chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức tài chính đến với các trung tâm tài chính. Ảnh: M.H
Cụ thể, trung tâm tài chính thúc đẩy đổi mới thông qua việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) và tài chính bền vững. Đây là yếu tố then chốt để một quốc gia bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
"Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, cùng với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh chóng. Các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe từ FATF/OECD, cùng với thời gian cần thiết cho quá trình cải cách, nhấn mạnh sự cấp bách của việc triển khai ngay lập tức. Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai, mà còn đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”- ông Richard D. McClellan cảnh báo.
Đồng thời, trung tâm tài chính là "nam châm" thu hút nhân tài có trình độ cao và các công ty toàn cầu; lực lượng lao động có kỹ năng cao được tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế, tạo điều kiện cho việc chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực trong nước.
Không chỉ vậy, trung tâm tài chính góp phần tăng cường "quyền lực mềm" của khu vực, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Thị trường toàn cầu xem trung tâm tài chính quốc tế là điểm vào quan trọng để tiếp cận thị trường ASEAN, đồng thời tạo dựng niềm tin với các đối tác thông qua trọng tài và các cơ chế pháp lý minh bạch.
Do đó, chuyên gia này cho rằng thành lập trung tâm tài chính quốc tế không phải chuyện nên làm hay không, mà là vấn đề phải làm. Tuy nhiên, dòng vốn sẽ không tự nhiên "ào ào chảy đến" khi Việt Nam tuyên bố thành lập trung tâm tài chính quốc tế. Để các nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam thì cần làm rất nhiều việc.
Trên thế giới, mỗi trung tâm tài chính quốc tế được thiết kế để thu hút các loại vốn khác nhau. Đơn cử, trung tâm tài chính quốc tế Singapore tập trung vào giao dịch ngoại hối và quản lý tài sản với chính sách mở cửa. Trung tâm tài chính quốc tế Dubai thu hút tài sản cá nhân và quỹ đầu tư qua ưu đãi thuế và luật pháp. Trung tâm tài quốc tế tại London, với đặc trưng là thị trường tài chính lâu đời lại là trung tâm của ngân hàng toàn cầu và giao dịch phái sinh phức tạp.
Vì vậy, đầu tiên Việt Nam cần xác định muốn tập trung thu hút nguồn vốn nào để có chính sách phù hợp. Tiếp theo đó, cần tạo được hành lang pháp lý ưu đãi cho nhà đầu tư (về chu chuyển dòng vốn thuận lợi, không hạn chế quyền sở hữu, về chính sách thu hút nhân tài...). Với nhà đầu tư, điều quan trọng nhất là hành lang pháp lý phải nhất quán.
Cần khung pháp lý hoàn chỉnh
Trong định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM sẽ hướng tới trở thành một trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu, trong khi trung tâm tại Đà Nẵng sẽ mang tầm cỡ khu vực.
Cả 2 trung tâm đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bà Lưu Ánh Nguyệt - Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo nghị quyết về xây dựng trung tâm tài chính.
Ban soạn thảo đã thảo luận chi tiết về bộ máy quản lý, bộ máy giám sát, đặc biệt chú trọng đến các chính sách thuế ưu đãi, chính sách đất đai và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư... đồng thời nghiên cứu phương án quản lý nhà nước đối với các giao dịch tài sản mã hóa.
“Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam phải kết nối toàn cầu, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam, tạo đột phá về thể chế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - bà Nguyệt nhấn mạnh.
Theo Bộ Tài chính, để thu hút các tổ chức tài chính đến với hai trung tâm tại Đà Nẵng và TPHCM, ngoài khung pháp lý hoàn chỉnh, cần có chính sách thuế ưu đãi, đảm bảo sự ổn định cũng như kiểm soát rủi ro phát sinh từ các khu vực này, tránh gây rủi ro ảnh hưởng đến thị trường nội địa.
Đồng thời, cần đẩy mạnh các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán; nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số... tiệm cận với mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế.