Để doanh nghiệp tiếp cận sàn thương mại điện tử nhanh nhất
Hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số.
Ngày 24-9, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội thảo hướng dẫn, định hướng kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong cả nước phát triển thị trường thông qua thương mại điện tử cấp khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Theo Bộ Công Thương, hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ.
Thương mại điện tử đang tạo ra những cơ hội
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết hội thảo lần này quy tụ nhiều đại diện từ các sàn thương mại điện tử hàng đầu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử uy tín trên toàn quốc. Đây là minh chứng cho sự quan tâm, quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử của tỉnh Bình Định và khu vực miền trung-Tây Nguyên.
“Thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương và các đối tác công nghệ, chúng ta có thể không ngừng cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, từ đó giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua những rào cản trong quá trình chuyển đổi số” – ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong việc kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thương mại điện tử đã và đang tạo ra những cơ hội to lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện trải nghiệm mua sắm và giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Còn theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Định, trong giai đoạn 2021-2024, đơn vị đã hỗ trợ 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng website thương mại điện tử. Ngoài ra, hỗ trợ 40 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số, như mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain,... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ 20 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, hỗ trợ tám doanh nghiệp xây dựng, sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-business.
Cũng theo ông Kha, năm 2024, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc so năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 6/15 tỉnh, thành thuộc miền trung-Tây Nguyên.
Trong đó, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố; tăng 4 bậc so năm 2023 (19/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 5/15 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên. Chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; tăng ba bậc so năm 2023 (33/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 4/15 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên.
Chuỗi giá trị khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương, cho biết với sự góp mặt của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số, thương mại điện tử, chúng ta tin tưởng rằng các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ có thêm cơ hội kết nối, học hỏi và áp dụng những giải pháp hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kết nối nhanh hơn và hiệu quả hơn các sản phẩm, dịch vụ tạo ra chuỗi giá trị khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đây là tiền đề cho sự hợp tác bền vững và thành công lâu dài. Bộ Công thương cùng với các cơ quan, tổ chức liên quan, luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình này”- bà Oanh nói.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị, như Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định, sàn thương mại điện tử Shopee, Alibaba (OSB), Buudien.vn, liên minh phát triển nguồn Nhân lực số Việt Nam, Logsun Global Logistics… đã chia sẻ tham luận.
Các tham luận xoay quanh những vấn đề, như thúc đẩy giải pháp thương mại điện tử - chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp - hộ kinh doanh tỉnh Bình Định và liên kết xuất khẩu sản phẩm khu vực miền Trung - Tây Nguyên thông qua kết nối giao thương; nhu cầu kết nối, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Định.
Đồng thời, đề ra các giải pháp và chính sách hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên thông qua Shopee. Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới cho các sản phẩm tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khám phá lợi ích của AI và các công cụ/giải pháp kết nối kinh doanh; các giải pháp logistics toàn diện, bảo hiểm cho nông sản và các sản phẩm khu vực miền Trung - Tây Nguyên,…
Triển lãm các mô hình thương mại điện tử
Ngày 24-9, UBND tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Công Thương khai mạc triển lãm các mô hình thương mại điện tử và các sản phẩm đăng ký tham gia.
Triển lãm quy tụ gần 50 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử như: quản lý kho hàng, logistics, bán hàng trực tuyến, và thanh toán không tiền mặt, cùng các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định.
Các đại biểu nhấn nút khai mạc triển lãm các mô hình thương mại điện tử và các sản phẩm. Ảnh: TT
Tại khu triển lãm còn có các sản phẩm các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có sáu doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới; sáu doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử, hai doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics xuyên biên giới; một đơn vị tư vấn pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.
Trong thời gian diễn ra sự kiện sẽ có các phiên livestream trực tiếp tại không gian triển lãm để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP cũng như những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những phiên livestream này sẽ giúp kết nối các sản phẩm chất lượng của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh chóng và hiệu quả.