'Ngành ngân hàng cho vay không giới hạn trong chuỗi liên kết một triệu ha lúa chất lượng cao'
Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú bên lề Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức cuối tuần qua. Hồng Dung thực hiện.
Lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta; năm 2023, đã ghi nhận kết quả kỷ lục về xuất khẩu gạo Việt Nam với hơn 8,13 triệu tấn, trị giá 4,78 tỷ USD, tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn các thách thức (như thiếu những thương hiệu lớn trên trường quốc tế, các thị trường mới, khó tính yêu cầu về gạo chất lượng cao, phát thải thấp…) và cần có giải pháp kịp thời để giữ vững thương hiệu gạo Việt.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, qua đó khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế.
Với việc nhận thức Đề án một triệu ha và Quyết định 1490/QĐ-TTg là một trong những nội dung hết sức quan trọng nên ngành ngân hàng đã triển khai một cách quyết liệt.
Với tinh thần cũng như chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, tôi tin rằng đến năm 2030 chúng ta sẽ có một triệu ha lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Từ nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của Đề án, ngành ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng đã nhanh chóng xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi theo nội dung của Đề án đặt ra.
Theo đó, các chính sách, cơ chế cho việc triển khai đề án được hoàn thiện, ban hành, đồng thời là công tác chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia mà trước tiên là Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước đóng vai trò chủ lực cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Lúa gạo vốn vẫn đóng vai trò quan trọng tại ĐBSCL từ trước khi có Đề án, ông có thể cho biết những kết quả của công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng tại khu vực này đến thời điểm hiện nay?
Về phía NHNN và ngành ngân hàng, trước khi có Đề án trên, đã luôn nhận thức được vai trò quan trọng của ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL và đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất - kinh doanh; hàng năm, NHNN và các chi nhánh tại địa phương đều tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng ĐBSCL; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư...) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Kết quả, đến cuối tháng 9/2024, huy động trên địa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 857.000 tỷ đồng (đáp ứng 72% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn), tăng 6,1% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023.
Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643.000 tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn. Riêng đối với ngành lúa gạo - là thế mạnh của vùng luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.
Riêng đối với nhiệm vụ của NHNN tại Đề án “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; thời gian triển khai từ 2025-2030”, NHNN đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và đơn vị liên quan xây dựng và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg.
Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, NHNN đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao và ngày 11/10/2024 đã có Văn bản gửi các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hướng dẫn triển khai Chương trình. Đồng thời, văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, địa phương để các tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình.
Phó Thống đốc đã có chuyến công tác khảo sát thực tế các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân tham gia Đề án tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ, Phó Thống đốc có thể cho biết các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân có ý kiến gì về việc triển khai Đề án?
Quá trình trao đổi, tôi nhận thấy các mặt tích cực thông qua thực hiện liên kết như:
Thứ nhất, người nông dân đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu canh tác, tưới tiêu, trồng trọt..., cùng với sự hỗ trợ của các nhà cung cấp giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu trong chuỗi sản xuất, đã giúp người nông dân giảm khoảng 30% chi phí đầu vào;
Thứ hai, đảm bảo hộ nông dân trồng lúa có lãi (thông tin ghi nhận hiện tại chi phí đầu vào cho 1 kg lúa là 3.700 đồng, bán ra là 8.500 đồng);
Thứ ba, doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nguồn hàng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính;
Thứ tư, sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo uy tín và cam kết không phá vỡ thỏa thuận trong mô hình chuỗi liên kết từ khâu trồng trọt, canh tác, thu mua, chế biến, tiêu thụ; có sự chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia liên kết khi giá cả thị trường biến động;
Thứ năm, sản xuất - kinh doanh theo chuỗi liên kết hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong các khâu;
Thứ sáu, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong chuỗi khi vay tại tổ chức tín dụng được hưởng các ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, thủ tục, hồ sơ được đơn giản hóa... Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp trong việc vay vốn trung dài hạn để đầu tư nhà máy sấy, kho chứa... nhằm kịp thời thu mua lúa và chế biến gạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Từ thực tế nêu trên cho thấy tính cần thiết của việc triển khai Chương trình cho vay và sự kỳ vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng với ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm... để hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững góp phần thực hiện thành công Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Để việc triển khai chương trình cho vay theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được được hiệu quả cao nhất, Phó Thống đốc kỳ vọng những gì?
Nói kỳ vọng thì cũng được nhưng đúng hơn là những đề nghị:
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Về phía UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, cần xác định, lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn theo Quyết định 1490/QĐ-TTg theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và công bố chung để tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay. Kịp thời thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những trường hợp chủ thể không còn tham gia liên kết lúa gạo.
Bên cạnh đó, giao cơ quan chuyên môn của địa phương căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố về định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tham khảo xác định mức cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn theo dõi, đôn đốc, giám sát các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo trong việc thực hiện cam kết trong quá trình triển khai Đề án.
NHNN chi nhánh 12 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL chỉ đạo, theo dõi việc cho vay theo Chương trình của các chi nhánh Agribank trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho NHNN, UBND tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cho vay.
Agribank đẩy mạnh cho vay theo Chương trình; xác định việc thực hiện cho vay trong giai đoạn thí điểm là nhiệm vụ chính trị cần thực hiện.
Tăng cường công tác truyền thông, thông tin tại vùng ĐBSCL để các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân biết và tiếp cận chính sách.
Kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo Chương trình. Trong khi đó, các NHTM khác xem xét đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.
Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng hướng dẫn, tuyên truyền về Chương trình cho vay để các thành viên nắm bắt, tiếp cận chính sách thuận lợi. Đặc biệt, từ phía các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án cần chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất - kinh doanh... để Agribank có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.
Song song với đó, các hiệp hội cũng cần vận động, tuyên truyền để các chủ thể nhiệt tình tham gia và tham gia chuỗi liên kết một cách có trách nhiệm vì lợi ích lâu dài của sự gắn bó. Đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong thỏa thuận liên kết giữa các bên; thỏa thuận cho vay ký kết với Agribank, các tổ chức tín dụng cho vay.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ngành ngân hàng không đặt mục tiêu quy mô nguồn vốn cụ thể số lượng gói tín dụng cho Đề án một triệu ha lúa là bao nhiêu nghìn tỷ như nhiều gói tín dụng ưu đãi vừa qua, mà tinh thần là ngành ngân hàng cho vay không giới hạn số vốn, đáp ứng theo nhu cầu và khả năng hấp thu vốn có hiệu quả của khách hàng tham gia trong chuỗi liên kết một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.