Để đạt được mục tiêu tăng trưởng mấu chốt vẫn là thể chế
Suy cho cùng hoàn thiện thể chế là giải pháp quan trọng nhất để tạo sự đột phá và phát triển bền vững, khơi thông nguồn lực và tạo được dư địa để phát triển trong tương lai. Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ 11, chiều 14.2.
Chiều nay, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Sơn La (Tổ 11) đã thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phản ứng linh hoạt với từng hoàn cảnh
Theo tờ trình Đề án của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Các chỉ tiêu nào trong giai 2021-2025 chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
![Quang cảnh thảo luận tại Tổ 11](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478223/5ddaf24bc005295b7014.jpg)
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 11
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) tán thành với các mục tiêu đã đề ra trong Đề án. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần theo dõi và có phản ứng linh hoạt với từng hoàn cảnh, diễn biến của các cuộc chiến tranh thương mại và phân tích rõ mặt tích cực cũng như tiêu cực để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
![Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478223/b55107c0358edcd0859f.jpg)
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) phát biểu
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, phải tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút vốn, quản trị doanh nghiệp; xác định rõ các động lực tăng trưởng. Khuyến khích tiêu dùng trong nước thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các kênh phân phối, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; bám sát thực tiễn để hoàn thiện thể chế. Chính phủ, các cơ quan nhà nước cần tăng cường lắng nghe, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh chi tiêu, đầu tư công để kích cầu tiêu dùng nội địa. Đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) thì khẳng định, nếu thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Đề án, mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt được. Tuy nhiên, vấn đề là phải cụ thể hóa được. Các ngành, địa phương phải xây dựng được kịch bản, giải pháp cho mình. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các thủ tục hành chính trong đầu tư bởi với các trình tự, thủ tục như hiện nay, không thể nhanh được. Chúng ta muốn đi nhanh thì đường phải thông thoáng, phương tiện phải khác. Tiếp đó, cần tháo gỡ các dự án đang tồn đọng tại các địa phương. Vấn đề nữa là yếu tố con người. Phải có những người dám làm, dám chịu trách nhiệm và có cơ chế để bảo vệ những người này.
![Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478223/d8b468255a6bb335ea7a.jpg)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) phát biểu
Hoàn thiện thể chế là giải pháp quan trọng nhất tạo sự đột phá
Cũng tán thành với các mục tiêu đề ra trong Đề án, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) nhấn mạnh hai vấn đề đó là hoàn thiện thể chế và hạ tầng giao thông.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách pháp luật, góp phần khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn; góp phần khắc phục "điểm nghẽn" thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
![Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478223/df6269f35bbdb2e3ebac.jpg)
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) phát biểu
Tuy nhiên, hiện nay thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.
Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, tăng sự chủ động, sáng tạo của từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển. Suy cho cùng hoàn thiện thể chế là giải pháp quan trọng nhất để tạo sự đột phá và phát triển bền vững, khơi thông nguồn lực và tạo được dư địa để phát triển trong tương lai.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua ngày càng hoàn thiện. Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giúp xử lý những điểm nghẽn, giải quyết những nhu cầu bức thiết về giao thông vận tải, thông tin truyền thông, phòng, chống và khám chữa bệnh, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa… trong đời sống kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu tăng tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, theo đại biểu Lê Thị Song An, cần đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư tư nhân. Tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% ngân sách nhà nước nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển.
Song song đó cần đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành đúng tiến độ các dự án quan trọng mà tờ trình Chính phủ đã nêu. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, giám sát, khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, bảo đảm đầu tư thật sự hiệu quả, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là kiểm soát được vấn đề nợ công.
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La), đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) thì nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng mấu chốt vẫn là thể chế. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp, phân quyền.
![Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478223/02cbb65a84146d4a3405.jpg)
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu
Nghiên cứu, thúc đẩy các địa phương đã cân đối được ngân sách có đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng của cả nước. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, kế hoạch đầu tư công của giai đoạn tiếp theo cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa.
Nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng thông qua việc giao nhiệm vụ thể, có cơ chế, chính sách phù hợp cho các trường đại học để đào tạo được nguồn nhân lực thực sự có chất lượng cao.
Về Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận các đại biểu đều tán thành bởi các lý do đã nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra.