Để đảm bảo nguồn nước sạch nông thôn
Tại Lâm Hà, từ các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) được thực hiện, việc quản lý, sử dụng các công trình đã phát huy hiệu quả. Qua đó, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với nguồn nước sạch, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Người dân Lâm Hà sử dụng nguồn nước sạch từ giếng khoan
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lâm Hà, giai đoạn từ năm 2005 - 2015, trên địa bàn đã đầu tư 26 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn với quy mô nhỏ, công nghệ lọc đơn giản, nguồn nước đầu vào chủ yếu là nguồn nước ngầm, nước suối gồm 21 công trình giếng khoan, 5 công trình cấp nước tự chảy. Trên địa bàn có 8/14 xã có công trình cấp nước sạch tập trung (chiếm 57%); còn lại 6 xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung. Các công trình được thiết kế cấp nước cho khoảng 2.145 hộ dân/29.508 hộ dân (chiếm 7,3%). Đến tháng 3/2024, 11 công trình hoạt động bền vững (chiếm 42%). Trong đó, từ năm 2021 - 2023, UBND huyện đã đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, như: khoan giếng mới, thay đường ống, làm bể trữ nước... Bên cạnh đó, có 4 công trình bị hư hỏng, ngưng hoạt động (chiếm 16%); 11 công trình bị hư hỏng nặng, ngưng hoạt động (chiếm 42%).
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà cho biết, năm 2024, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương kiểm tra tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn; hướng dẫn người dân thổi rửa các giếng khoan; làm vệ sinh nguồn nước phía thượng lưu, nạo vét bùn đất trước đập ngăn, bể lọc, kiểm tra, sửa chữa, thay thế các đoạn tuyến ống dẫn nước van, vòi, bể phân phối nước hư hỏng, để giảm tỷ lệ thất thoát nước.
Đối với khu vực công trình cấp nước đang bị hư hỏng, nước sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa đã rà soát từng hộ gia đình có nguy cơ thiếu nước. Qua đó, khi xảy ra thiếu nước phải tập trung thực hiện ngay các biện pháp cấp nước kịp thời như: mua hỗ trợ thiết bị chứa nước, lọc nước, sử dụng các phương tiện chuyển cấp nước. Cùng với đó, hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn chứa nước, bình lọc và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC)… cho các hộ dân ở phân tán thuộc các khu vực chưa có công trình cấp nước, khó khăn về nước sạch.
Từ năm 2020 - 2023, UBND huyện Lâm Hà đã phê duyệt đầu tư kinh phí gần 16 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 12 công trình; đầu tư xây dựng mới 1 công trình cấp nước cho 120 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại thôn Cổng Trời, xã Mê Linh, với tổng kinh phí 2.054 triệu đồng.Thực hiện Chương trình MTTQ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; trong đó, Dự án “Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán” cho 365 hộ dân mua bồn chứa nước sinh hoạt, với tổng kinh phí 974 triệu đồng. Riêng năm 2024, UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra đánh giá và tham mưu bố trí kinh phí sửa chữa 4 công trình cấp nước tập trung đang bị hư hỏng trên địa bàn Thôn 5, xã Tân Thanh, Păng Pung, xã Liên Hà, Đam Pao, xã Đạ Đờn và Pốt Pe, xã Liên Hà. Dự kiến tiếp tục thực hiện Dự án “Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán” cho 250 hộ dân mua bồn chứa, tạo vật dụng chứa nước sinh hoạt, với tổng kinh phí khoảng 750 triệu đồng.
Cùng với đó, các tổ tự quản công trình cấp nước chủ động thu tiền sử dụng nước của các hộ dân thuộc phạm vi công trình và huy động các nguồn hỗ trợ khác để thường xuyên thực hiện việc sửa chữa nhỏ, hỗ trợ quản lý vận hành công trình dựa trên tính tự nguyện, trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư.
Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian qua, UBND huyện đã có kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng mới 10 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện với kinh phí khoảng 132 tỷ đồng, để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5.000 hộ gia đình, tập trung tại các thôn/bản khó khăn có đông người đồng bào DTTS sinh sống. Tuy nhiên, đến nay chưa triển khai thực hiện nội dung này.
Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng mới 1 công trình cấp nước cho 120 hộ dân người đồng bào DTTS tại thôn Cổng Trời với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Tiếp tục tổ chức kiểm tra đánh giá, rà soát để sớm bố trí kinh phí sửa chữa 4 công trình cấp nước tập trung đang bị hư hỏng trên địa bàn Thôn 5, xã Tân Thanh, Păng Pung, xã Liên Hà, Đam Pao, xã Đạ Đờn và Pốt Pe, xã Liên Hà.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương, việc sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn huyện xây dựng đã lâu, công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ; quy mô công trình nhỏ chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng của người dân; nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng; việc thu tiền sử dụng nước của các hộ dân không đủ bù chi, do đó thiếu kinh phí để chi trả cho lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý vận hành, duy tu, sửa chữa, nâng cấp dẫn đến công trình ngưng hoạt động và hoạt động kém bền vững. Bên cạnh đó, số hộ dân được sử dụng nước sạch từ các công trình còn ít khoảng 2.145 hộ dân (chiếm 7,3%); 11 công trình bị hư hỏng nặng, ngưng hoạt động (chiếm 42%); 4 công trình bị hư hỏng, ngưng hoạt động (chiếm 16%), nhưng người dân vẫn còn nhu cầu sử dụng nguồn nước.
Để đảm bảo chất lượng các công trình cấp nguồn nước sạch nông thôn trong thời gian tới, UBND huyện Lâm Hà tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ công trình và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Thực hiện phương án quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế. Rà soát, chuyển đổi mô hình quản lý, vận hành các công trình đang giao về Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện, UBND xã quản lý vận hành…