Tạo nội lực từ sản phẩm OCOP
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) không chỉ được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn mà còn giúp nông sản, đặc sản địa phương có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo ra nội lực xây dựng nông thôn mới.
Theo Cục Kinh tế hợp tác, đến nay, cả nước có hơn 14.000 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP tạo việc làm ổn định, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Phát triển những sản phẩm nông nghiệp có giá trị
Việc áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất cùng với định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm từ chứng nhận đạt chuẩn OCOP là một trong những yếu tố quan trọng để nhiều mặt hàng nông sản địa phương khẳng định thương hiệu và có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Đến nay, cả nước có hơn 14.000 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP tạo việc làm ổn định, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Với nhiều địa phương, hiện nay, việc phát triển sản phẩm OCOP được coi là giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, từng bước chuyển dịch mô hình sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang nền kinh tế nông nghiệp dựa trên nhu cầu của thị trường.
Ghi nhận tại xã Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), phần lớn diện tích đất nông nghiệp được bà con nông dân sản xuất lúa 2 vụ, hiệu quả kinh tế không cao. Được ngành nông nghiệp địa phương tư vấn điều kiện thổ nhưỡng ở Đoan Hạ phù hợp với giống lúa đặc sản ST25, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đoan Hạ đã triển khai trồng thử nghiệm loại lúa này.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, mô hình sản xuất lúa đặc sản ST25 của HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế, lợi ích môi trường qua từng vụ sản xuất. Việc thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây lúa do HTX đưa ra giúp bà con giảm được chi phí sản xuất. Sau 3 vụ, năng suất lúa trung bình đạt từ 60-65 tạ/ha, giá trị dinh dưỡng và thu nhập của giống lúa ST25 cũng cao hơn so với lúa thông thường.
Không chỉ có người dân xã Đoan Hạ thành công với giống lúa ST25, tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng hồng lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 300 ha, năng suất trung bình đạt khoảng 4 tấn/ha. 6-7 năm về trước, người nông dân từng phải loay hoay tìm đầu ra mỗi khi hồng chín thì nay, công nghệ sấy gió đã giúp giá trị trái hồng tươi tăng gần 10 lần.
Nhờ công nghệ sấy gió mà trái hồng dần tìm lại được vị thế trong “bản đồ nông sản” phố núi, góp phần làm cho kinh tế của nhiều hộ dân vùng cao nguyên Lang Biang trở nên khấm khá.
Với chứng nhận 4 sao OCOP, thương hiệu hồng sấy gió vùng cao nguyên Lâm Viên được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và ưa dùng bởi chất lượng thơm ngon, sạch tự nhiên.
Để đa dạng sản phẩm chế biến, người dân nơi đây đã trồng thêm một số giống mới như hồng trứng lốc, tám hải, vuông đồng… Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Nguyễn Trọng Bình cho biết, mục tiêu hướng đến của xã là xuất khẩu hồng sấy gió.
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Cây hồng đã đem lại nhiều giá trị thiết thực cho bà con phố núi. Từ chỗ được trồng xen canh trên những đồi chè, vườn cà-phê để ăn trái, theo thời gian, hồng trở thành đặc sản của vùng đất này.
Được sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ tổ chức JICA Nhật Bản, hiện nay hồng sấy gió đã trở thành mặt hàng nông sản nổi tiếng của phố núi Đà Lạt. Việc sấy hồng không khó, không cần các chất phụ gia, chất bảo quản nên người dân có thể dễ dàng áp dụng công nghệ này tùy vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Sau khi được hái từ trên cây, gọt sạch vỏ, ngâm qua nước nóng hoặc rượu sake, những trái hồng sẽ được người nông dân treo bằng dây hoặc móc thành hàng dài trước cửa nhà hoặc trong nhà màng để sấy gió, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp giữa núi rừng. Áp dụng “công nghệ hoshigaki” (công nghệ hồng treo gió) đã giúp trái hồng gia tăng giá trị và lợi nhuận kinh tế cho người nông dân.
Theo tính toán của người dân, trung bình 6 kg trái hồng tươi sau khi sấy gió sẽ được 1 kg thành phẩm. Mỗi ki-lô-gam hồng sấy gió giúp người sản xuất có lãi từ 150.000-200.000 đồng sau khi trừ chi phí.
Trở lại với xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất sản xuất nông nghiệp, giống lúa đặc sản ST25 được xem là mũi đột phá trong thay đổi giống cây trồng, nâng cao giá trị hạt gạo cũng như hướng tới phát triển mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ Nguyễn Mạnh Hà cho biết, sau 4 vụ sản xuất, giống lúa ST25 đã chứng minh hiệu quả cao. Địa phương đã có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản ST25. Để thực hiện kế hoạch, chính quyền địa phương đã vận động người dân dồn điền đổi thửa, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ tổ chức HTX tích ruộng đất, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Đối với giống lúa này, xã đang xây dựng tiêu chuẩn VietGAP và hướng đến là sản phẩm OCOP 4 sao từng bước trở thành giống lúa hàng hóa…
Còn theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đoan Hạ Nguyễn Tiến Công, để nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị thương hiệu nông sản, HTX dịch vụ nông nghiệp Đoan Hạ đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm lúa ST25. “Để bà con sản xuất theo một tiêu chuẩn bảo đảm thì HTX đã phối hợp với ban chỉ đạo sản xuất xã làm công tác tuyên truyền cho bà con hiểu rõ quy trình của một sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP và OCOP như thế nào”, anh Công cho biết.
Ngoài sự nỗ lực và vận dụng cơ chế, chính sách trong khuyến khích tính tự chủ của địa phương, Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh Phú Thọ được ban hành năm 2021 cũng được xem là kim chỉ nam cho việc áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại địa phương.
Cùng với Nghị quyết số 22, ngành nông nghiệp cũng đã và đang tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế tập thể, HTX tiếp cận với những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bền vững.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Thủy Nguyễn Trọng Luyện nhấn mạnh: “Những năm tới, quan điểm của huyện là sẽ dành nguồn lực nhất định để hỗ trợ xúc tiến thương mại… nhất là những mô hình mang tính chất trọng điểm…”.
Từ thực tế sản xuất tại các địa phương việc phát triển sản phẩm OCOP, ngoài nâng cao giá trị nông sản, còn là một nhân tố quan trọng - một mặt hàng đặc biệt trong phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ hữu cơ. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn.
Theo các nhà kinh tế, ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP. Và để hai mặt hàng này có thể gắn kết với nhau, tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có lẽ cần nhiều hơn nữa những chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương ■