Hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Ngày 19/5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PBGDPL&TGPL), Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm Định hướng hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã phát sinh vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Cục PBGDPL&TGPL đã nghiên cứu một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Theo Báo cáo, trên cơ sở cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Cục PBGDPL&TGPL định hướng một số nội dung cần nghiên cứu để hoàn thiện Luật.

Cụ thể, cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng mở rộng tối đa, quy định rõ ràng phạm vi hòa giải ở cơ sở nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của công tác này đối với đời sống xã hội; tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là chính sách cụ thể nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Sửa đổi quy định về hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng bỏ quy định: Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở” để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về tiêu chuẩn, thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên, theo Cục PBGDPL&TGPL, trong bối cảnh hiện nay cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên nhằm xây dựng, phát triển, thu hút đội ngũ hòa giải viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai công tác hòa giải ở cơ sở.

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa.

Theo thống kê, trong số 549.446 hòa giải viên, chỉ có hơn 15.214 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật (chiếm tỷ lệ khoảng 2,76%). Thực tế cho thấy những vụ việc tranh chấp phức tạp (đông người, nội dung tranh chấp liên quan đến nhiều lĩnh vực) hoặc tranh chấp về tài sản có giá trị lớn (như tranh chấp đất đai, vay mượn tiền, tài sản…) thì hòa giải viên ở cơ sở chưa hòa giải được nhiều do năng lực không đáp ứng, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên không phân tích được cho các bên về quyền và nghĩa vụ của họ đối với tranh chấp. Vì vậy hầu hết những tranh chấp này được một bên khởi kiện ra Tòa án, do đó, hàng năm ngành tòa án thụ lý và giải quyết rất nhiều vụ việc, vụ án dân sự.

Để bổ sung những người có kiến thức pháp luật làm hòa giải viên ở cơ sở, khi sửa Luật Hòa giải ở cơ sở, cần nghiên cứu bổ sung những người đang là báo cáo viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, tuyên truyền viên pháp luật, tuyên truyền viên cơ sở, công an cấp xã, Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; người đã công tác trong lĩnh vực pháp luật…. tham gia làm hòa giải viên. Đồng thời, cân nhắc điều kiện có chứng chỉ bồi dưỡng của cơ quan có thẩm quyền khi công nhận hòa giải viên.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, bổ sung quyền của các bên trong hòa giải trong việc đề xuất hình thức hòa giải (ví dụ hòa giải trực tuyến…); quy định một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành; quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ông Nguyễn Duy Lãm (nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL&TGPL).

Ông Nguyễn Duy Lãm (nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL&TGPL).

Để bảo đảm phù hợp với bối cảnh sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện: bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã “tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên”; sửa đổi trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, UBND cấp tỉnh kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Duy Lãm (nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL&TGPL) đánh giá cao định hướng một số nội dung cần nghiên cứu để hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở của Cục PBGDPL&TGPL. Theo ông Lãm, yêu cầu của thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Luật. Theo đó, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của quốc tế; cần mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng cần tính toán cụ thể…

Tại Tọa đàm, một số đại biểu địa phương cũng trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hoạt động hòa giải tại địa phương; khó khăn về nhân lực, kinh phí./.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoan-thien-luat-hoa-giai-o-co-so-nham-dap-ung-yeu-cau-cua-tinh-hinh-moi-post548972.html
Zalo