ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, điều hành phiên toàn thể tại hội trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, điều hành phiên toàn thể tại hội trường

Theo đó, các ĐBQH thống nhất với việc cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành...

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu có ý kiến nhất trí về sự cần thiết và cấp bách của việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và thực hiện các khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; quản lý Nhà nước về năng lượng nguyên tử; cơ quan pháp quy hạt nhân; những hành vi bị nghiêm cấm; xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; phát triển nguồn nhân lực; các biện pháp thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân; yêu cầu về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn, bảo vệ bức xạ, bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phóng xạ; nhà máy điện hạt nhân; lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phóng xạ; chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; thanh sát hạt nhân.

Quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này, đại biểu chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định lại cho phù hợp hơn đối với việc giải thích từ ngữ về Chất phóng xạ, Lò phản ứng hạt nhân, Nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, một số từ ngữ cần được giải thích chính xác, mang tính khái quát hóa hơn như nguồn phóng xạ, dược chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, chu trình nhiên liệu hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân module.

Các giải thích liên quan đến an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, mức miễn trừ khai báo, cấp phép, mức thanh lý, đề nghị bổ sung cụm từ “tài sản” sau cụm từ “con người, môi trường”. Ngoài ra, có một số thuật ngữ cần đưa vào giải thích từ ngữ như thiết bị chiếu xạ, vận hành thử nhà máy điện hạt nhân, báo cáo đánh giá an toàn.

Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, về cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân (hay theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA là cơ quan pháp quy hạt nhân). Tại khoản 5, Điều 7, Dự thảo Luật quy định “Chính phủ quy định về Cơ quan quản lý quốc gia về an toàn bức xạ và hạt nhân”. Theo các tiêu chuẩn về an toàn của IAEA, Cơ quan pháp quy hạt nhân phải là một cơ quan độc lập và chịu trách nhiệm chính về an toàn hạt nhân. Vai trò chính của cơ quan này là thiết lập và thực thi các quy định an toàn, cấp phép cho các hoạt động hạt nhân và giám sát việc tuân thủ để bảo vệ con người và môi trường khỏi các tác hại của bức xạ ion hóa và các sự cố hạt nhân. Vì lý do đó, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn về bức xạ hạt nhân cần có một vị trí xứng đáng, được quy định trong luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp giao Chính phủ quy định, đại biểu Tú Anh kiến nghị: Thứ nhất, phải đảm bảo rằng cơ quan này phải được hoạt động một cách khách quan, dựa trên nguyên tắc là an toàn và an ninh hạt nhân là tối thượng. Thứ hai, Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và bức xạ hạt nhân không được phép đồng thời quản lý nhà nước về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - kỹ thuật; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề thứ ba, về việc thẩm định kỹ thuật và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong quy trình đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, là một quá trình phức tạp và nghiêm ngặt, thường kéo dài nhiều năm và liên quan đến nhiều cơ quan quản lý và các bên liên quan.

Theo hướng dẫn của IAEA, có 6 giai đoạn phải cấp phép, bao gồm: Địa điểm, Thiết kế, Xây dựng, Vận hành thử, Vận hành, Tháo dỡ nhà máy (Điều 31 - 36 Dự thảo Luật).

Tuy nhiên, qua phân tích các điều khoản quy định trong Dự thảo Luật và hướng dẫn của IAEA, đại biểu Tú Anh cho rằng cần thiết phải biên soạn lại các quy định tại Điều 31 - 36 theo hướng tường minh, rõ ràng hơn, tiệm cận tối đa hướng dẫn của IAEA, trong đó, cần thiết phải có quy định về cấp phép cho từng giai đoạn, tên gọi chính thức của từng loại giấy phép (lưu ý cần sử dụng tên gọi thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế), các loại thiết kế cần thiết, thành phần hồ sơ, điều kiện, thẩm quyền cấp phép.

Vấn đề thứ tư, trên cơ sở tham khảo các nghị định, pháp lệnh liên quan, đại biểu Tú Anh đề nghị thay khoản 3, Điều 42: “Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” bằng “Quy định của Chính phủ về các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Theo chương trình Kỳ họp, sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: (i) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; (ii) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các nội dung: (i) Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (ii) Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (iii) Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (ii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/dbqh-trinh-thi-tu-anh-gop-y-du-an-luat-nang-luong-nguyen-tu-sua-doi-91a47da/
Zalo