Loạt Megastory: Để kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới Kỳ 2: Củng cố nền tảng để tạo động lực phát triển bền vững

Kinh tế tư nhân (KTTN) giữ vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. KTTN không chỉ đóng góp lớn vào GDP, khu vực này còn tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và mở rộng thị trường, qua đó góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Cùng với tiến trình đổi mới, KTTN đã phát triển mạnh mẽ và trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tính đến năm 2024, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp (DN) tư nhân đang hoạt động. Nhiều tập đoàn lớn như: Vingroup, Masan, Sun Group, Vietjet, THACO… đã khẳng định được vị thế trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới.

Tổng thể, khu vực KTTN, bao gồm cả kinh tế tập thể và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện đóng góp hơn 50% GDP, tạo ra 30% nguồn thu ngân sách và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Ngoài ra, đây còn là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân bên lề Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vào tháng 9-2024. Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân bên lề Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vào tháng 9-2024. Ảnh: chinhphu.vn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện IDE, khu vực KTTN chiếm chủ đạo trong GDP và đang có xu hướng tăng mạnh. So với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực này duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền. Tại các nền kinh tế phát triển, khu vực tư nhân thường đóng góp từ 70-90% GDP, cho thấy đây là trụ cột không thể thiếu. Ở Việt Nam, khu vực tư nhân hiện sử dụng tới 85% lực lượng lao động, mang lại thu nhập ổn định cho hàng triệu người.

Tại Đồng Nai, một trong những địa phương có môi trường đầu tư năng động, hiện có hơn 56 ngàn DN đăng ký hoạt động với tổng vốn gần 550 ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, tỉnh ghi nhận hơn 4 ngàn DN mới gia nhập thị trường. Khu vực DN tư nhân đang trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của địa phương.

Hoạt động sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp tại huyện Định Quán. Ảnh: Hoàng Hải

Hoạt động sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp tại huyện Định Quán. Ảnh: Hoàng Hải

Có những DN tư nhân tại Đồng Nai đã vươn lên thành “cánh chim đầu đàn” ở Việt Nam như: Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty CP Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Biti’s), Công ty CP Thực phẩm G.C, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, Công ty TNHH Nam Long, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt…

Công ty CP Tập đoàn Vận tải Sài Gòn (thành phố Biên Hòa) là DN được thành lập bởi ông Nguyễn Tuấn Mùi, một cựu chiến binh. Sau gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách theo mô hình tập đoàn với tên gọi quen thuộc Saigon Taxi Group, DN này có 5 ngàn công nhân viên làm việc ở 10 tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Tuấn Mùi chia sẻ, nhờ môi trưởng, bản lĩnh từ thời quân ngũ đã giúp bản thân ông lèo lái, giữ vững được hướng phát triển của DN trong những giai đoạn cam go nhất như thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo ông Mùi, DN chưa bao giờ nợ tiền bảo hiểm của người lao động; trong bất cứ hoàn cảnh nào thì doanh nhân cần phải có tinh thần thép, sẵn sàng chống chọi với khó khăn để giữ mục tiêu lớn hơn, chính là lợi ích của xã hội, của cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2028 của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2028 của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

Xác định tầm quan trọng của DN, nhất là DN tư nhân, đối với Đồng Nai, sự thành công của DN cũng chính là thành công của địa phương. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quan tâm, sâu sát với người dân, DN. Do đó, Đồng Nai đặt quyết tâm và cần sự bứt phá ngoạn mục ở các địa phương, đơn vị từ chính sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý với những việc làm, giải pháp hợp lý, vì lợi ích chung.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh năm 2025. Ảnh: Vương Thế

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh năm 2025. Ảnh: Vương Thế

Đầu năm 2024, UBND tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo hỗ trợ DN và phát triển kinh tế Đồng Nai. Theo đó, đơn vị có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh đề ra các định hướng, chiến lược, các giải pháp liên quan đến hỗ trợ DN, hợp tác xã, nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại tỉnh Đồng Nai.

Quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn liền với sự phát triển của cộng đồng DN mà nòng cốt là khối KTTN. Ngày nay, Việt Nam đã xuất hiện một lực lượng DN tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Các "sếu đầu đàn" như: Tập đoàn Vingroup, THACO, Hòa Phát, Vietjet… ngày nay đã có khả năng dẫn dắt nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng như kinh tế nhà nước. Nhiều chủ DN tư nhân hiện nay đã có tài sản hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng, một số ông chủ của các tập đoàn tư nhân đã trở thành tỷ phú USD được xếp hạng quốc tế trong nhiều năm liền.

Tính riêng trong lĩnh vực công nghiệp, sản phẩm của nhiều DN không chỉ dừng lại ở sản phẩm đơn giản mà đã sản xuất được những cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của DN sản xuất đầu cuối trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Từ lạc hậu, công nghiệp Việt Nam đã từng bước vươn lên, hạn chế phát triển công nghiệp hàm lượng công nghệ thấp mà hợp tác, đón đầu và phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Đơn cử như Tập đoàn Vingroup, trong đó có thương hiệu xe ô tô Vinfast, đang được xem là niềm tự hào của công nghiệp ô tô Việt Nam, giúp giảm sự phụ thuộc hoàn toàn vào thương hiệu nước ngoài. Lần đầu tiên Việt Nam có thương hiệu ô tô độc lập và đang đẩy mạnh phát triển thị trường ở nhiều quốc gia, trong đó có cả thị trường khó tính nhất như Mỹ.

Hay như Tập đoàn THACO, xuất phát từ Đồng Nai nhưng nay đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu cả nước trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo. Ngoài hợp tác với các thương hiệu ô tô lớn để lắp ráp cho thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu thì THACO còn xây dựng thương hiệu xe buýt, xe tải. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang đẩy mạnh phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Trần Bá Dương, người sáng lập tập đoàn, nhiều năm liền nằm trong tốp những người giàu nhất Việt Nam. Theo ông Trần Bá Dương, định hướng của THACO trong những năm tới là ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để tự chủ sản xuất. Trong đó, mục tiêu chủ yếu là nhằm giảm giá thành ô tô, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn. Đồng thời, tập đoàn cũng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ với các DN, đối tác nhỏ và vừa.

Hội nhập kinh tế quốc tế được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam trưởng thành và không ngừng phát triển. Trong ảnh: Các doanh nghiệp Đồng Nai chú trọng tham gia những hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hải

Hội nhập kinh tế quốc tế được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam trưởng thành và không ngừng phát triển. Trong ảnh: Các doanh nghiệp Đồng Nai chú trọng tham gia những hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hải

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của mình, các tập đoàn lớn cũng sẵn sàng cùng với Nhà nước tham gia vào những dự án lớn, định hình cho sự phát tiển của quốc gia. Lấy sự phát triển gắn liền với các dự án lớn của đất nước là tín hiệu đáng mừng, cho thấy KTTN đã đủ sức tham gia các dự án lớn, siêu dự án của đất nước khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “đặt hàng” Hòa Phát làm đường ray, THACO làm toa xe... cho dự án đường sắt cao tốc cũng là lúc mà ở tầm quản trị quốc gia, vai trò, đóng góp của KTTN được đặt lên hàng đầu. Điều đó khuyến khích, trao cơ hội và đặt niềm tin cho họ tham gia các dự án lớn, trở thành những trụ cột của nền kinh tế trong cả chặng đường dài sắp tới.

Là địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế và là môi trường thuận lợi cho DN tư nhân phát triển, Đồng Nai có khoảng hơn 1 triệu người làm việc ở khu vực KTTN. Trong đó, có hơn 3,5 ngàn đảng viên đang làm việc trong các DN tư nhân, có người giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, trực tiếp sản xuất kinh doanh. Dù ở vị trí nào, các đảng viên này cũng giữ vai trò nòng cốt, quan trọng, gương mẫu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển DN.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng hoa chúc mừng ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty CP Thông Quan (hiện giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Đồng Nai) được kết nạp Đảng vào năm 2023. Ảnh tư liệu

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng hoa chúc mừng ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty CP Thông Quan (hiện giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Đồng Nai) được kết nạp Đảng vào năm 2023. Ảnh tư liệu

Cùng với sự phát triển về sản xuất, kinh doanh, các DN tư nhân cũng đang ngày càng có điều kiện để chăm lo tốt hơn cho người lao động, trong đó có việc tạo cơ hội để họ tham gia vào Đảng, các tổ chức, đoàn thể ngay tại công ty.

Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (huyện Vĩnh Cửu) là một trong những nhà sản xuất đứng đầu cả nước về lĩnh vực sản xuất bê tông và tiên phong ứng dụng công nghệ sản xuất ống bê tông tiên tiến trên thế giới. Sau gần 33 năm phát triển, Hùng Vương đã trở thành tổng công ty lớn với nhiều DN thành viên, tạo việc làm cho khoảng 2 ngàn lao động.

Mới đây nhất, cuối năm 2024, đơn vị đã nhà máy ống cấp nước bê tông nòng thép dự ứng lực theo công nghệ tiên tiến từ Mỹ với số vốn 300 tỷ đồng. Sản phẩm sản xuất từ nhà máy là ống cấp nước bê tông nòng thép dự ứng lực có đường kính lớn (từ 1-4 ngàn mm), sẽ góp phần phục vụ nhu cầu cấp thiết về xây dựng mới, nâng cấp đường ống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, dẫn nước thô cho các nhà máy cấp nước, dẫn nước thủy lợi...

Không chỉ vươn lên về quy mô, công ty này cũng được đánh giá là DN có tổ chức Đảng mạnh của Đồng Nai. Từ một chi bộ ban đầu với 4 đảng viên ra đời năm 2007, đến năm 2012, Đảng bộ Nhà máy bê tông đúc sẵn Hùng Vương được thành lập và không ngừng phát triển đến nay. Năm 2024, Đảng bộ có 7 chi bộ trực thuộc, phụ trách 6 đơn vị nhà máy hoạt động trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước và Vĩnh Long.

Theo ông Đinh Công Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty thì quá trình phát triển của Công ty, Đảng bộ có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh. Các đảng viên trong đơn vị có vai trò nòng cốt của DN và các đảng viên làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học cũng kéo theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty được nâng lên.

Không chỉ các DN lớn, lâu năm mà Đồng Nai cũng là môi trường cho khởi nghiệp, phát triển DN mới, xây dựng lực lượng doanh nhân trẻ. Theo Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Quốc Nghi, KTTN ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, riêng đối với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có hơn 600 hội viên là chủ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Đại diện ban giám đốc Công ty CP Đồng Phú Cường (huyện Định Quán) lì xì cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: DNCC

Đại diện ban giám đốc Công ty CP Đồng Phú Cường (huyện Định Quán) lì xì cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: DNCC

Hội cũng có mạng lưới chi hội địa phương, chi hội ngành nghề trên các lĩnh vực và đang ngày càng phát triển. Đồng thời, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cũng chú trọng phát triển đảng viên trong các DN và thành lập các chi bộ.

Bởi vì, chi bộ sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước và phối hợp với chủ DN đảm bảo quyền lợi, chăm lo tốt đời sống cho người lao động. Như vậy, người lao động sẽ gắn bó, đóng góp cho DN nhiều hơn và đây là yếu tố quan trọng giúp DN thành công.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/media/megastory/202505/loat-megastory-de-kinh-te-tu-nhan-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi-ky-2-8db6980/
Zalo