ĐBQH: 'Tại sao sửa miết, sửa hoài mà Luật Quy hoạch vẫn vướng'
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị cần phải bình tĩnh để tìm cho đúng nguyên nhân tại sao cứ 'sửa miết, sửa hoài' như vậy mà Luật Quy hoạch vẫn vướng.
Sáng ngày 28/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi 3 vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay trong thời gian tới.
Một là, bổ sung quy định chuyển tiếp về điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm điều chỉnh được ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực.
Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Ba là, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn có thể xử lý được ngay.
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề: "Luật Quy hoạch được quan tâm và sửa rất nhiều nhưng vẫn rối. Ở dưới cơ sở rất khó triển khai thực hiện. Chúng ta sửa lần này đã thực sự tận gốc chưa hay tiếp tục vá víu, nếu như vậy thì tôi cho rằng sẽ lại tiếp tục rối".
Theo đại biểu, tinh thần của dự thảo luật lần này là chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống như phân ngành, cục bộ theo lĩnh vực sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông.
Đại biểu cho rằng đội ngũ chuyên gia ở cơ sở rất quan trọng nhưng có trường hợp chưa nắm bắt được tinh thần mới này, còn hạn chế trong phương pháp tiếp cận, phối hợp liên ngành, liên thông.
Đại biểu nhấn mạnh theo tinh thần mới của luật, rất cần một "nhạc trưởng" có nhiều kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch nhưng hiện chưa có. Theo đó, đề nghị cần phải bình tĩnh để tìm cho đúng nguyên nhân tại sao cứ "sửa miết, sửa hoài" như vậy mà vẫn vướng, để từ đó chỉnh sửa cho thực sự căn bản thì mới giải quyết được vấn đề về bài toán quy hoạch.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Media Quốc hội.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng Luật Quy hoạch có nhiều vấn đề khúc mắc mà nếu chỉ tập trung sửa một vài chương hoặc vài điều sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ, giải thoát cho phát triển.
Đại biểu Huân đề nghị nên xem lại tính khả thi của Luật Quy hoạch, nhất là tới đây sáp nhập tỉnh, có địa phương sáp nhập 2 tỉnh, 3 tỉnh mà quy hoạch không thể quy hoạch cộng gộp lại với nhau.
Nêu thực tế nhiều vướng mắc hiện nay, đại biểu đề nghị xem xét tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch một thời gian để đánh giá toàn diện và chỉnh sửa căn cơ hoặc chí ít cũng phải tạm dừng một số điều đang rất vướng. "Trong thời gian ngắn nếu sửa cái nọ thì có thể phát sinh cái khác và sẽ không đánh giá hết tác động," đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Media Quốc hội.
Quy hoạch quốc gia - vùng - tỉnh phải lập đồng thời
Cùng tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho hay, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phải lập đồng thời.
Bởi lẽ, quy hoạch cấp trên thì phải có định hướng để cho quy hoạch cấp dưới chi tiết hóa. Nếu quy định cấp trên chưa có định hướng thì khi làm quy hoạch cấp dưới trước rất có thể những nội dung chi tiết của quy hoạch cấp dưới sau này sẽ không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
"Điều này đã từng gặp phải khi chúng ta phê duyệt quy hoạch đất quốc gia trước và sau đó đến khi các tỉnh làm quy hoạch, chỉ tiêu phân bố đất cho tỉnh không phù hợp và hiện nay hầu hết các tỉnh đều yêu cầu phải điều chỉnh chỉ tiêu đó trong quy hoạch đất quốc gia," đại biểu nêu vấn đề

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội.
Do vậy, nếu thực hiện đồng thời tất cả các quy hoạch này thì quy hoạch cấp trên sẽ là định hướng sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết, cụ thể hóa. Nếu thấy chỗ nào không phù hợp thì sẽ phản hồi để điều chỉnh quy hoạch cấp trên. Cách làm này sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu, theo đại biểu.
Cụ thể, đại biểu cho rằng, khi tất cả các phương án quy hoạch được làm đồng thời sẽ có tính kết nối, khớp nối giữa các phương án, từ quy hoạch cấp trên đến quy hoạch cấp dưới. Hơn nữa khi tiến hành các quy hoạch trong cùng một thời điểm sẽ khiến việc chia sẻ những thông tin, nguồn lực giữa các quy hoạch được thuận lợi.
"Nếu tiến hành đồng thời, tôi cho rằng có thể chỉ trong vòng một năm tất cả quy hoạch sẽ hoàn thành, chứ không như trong thời gian vừa qua là mất rất nhiều năm các quy hoạch mới được hoàn thành," đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.