ĐBQH: Sửa Hiến pháp là mở đầu cho một cuộc cách mạng xây dựng pháp luật

Chiều ngày 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận tại tổ nội dung về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH kỳ vọng việc sửa Hiến pháp lần này sẽ giúp cơ chế, chính sách pháp luật trong thời gian tới tiếp tục được hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn và tạo ra một bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thành phố Huế, 8/120 Điều trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Do vậy, các ĐBQH đều thống nhất cao với việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thành phố Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thành phố Huế.

Theo đại biểu, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương lớn, đã đến độ chín và đã đến lúc phải triển khai thực hiện. Về tổ chức đơn vị hành chính và một số nội dung khác về chính quyền địa phương, dự thảo Nghị quyết đã xác định chính quyền địa phương còn 2 cấp.

"Khi hình thành chính quyền địa phương 2 cấp rất mong muốn những điều kiện, tiêu chí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được nghiên cứu bổ sung, quy định một cách đồng bộ", đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Nữ đại biểu cho rằng, những nội dung được sửa đổi, bổ sung đợt này dù nằm trong Nghị quyết nhưng đó là những nội dung làm nền tảng cho những văn bản luật khác. Do đó, đại biểu mong muốn lần sửa Hiến pháp này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉn chu sửa đổi các điều khoản nêu tại dự thảo Nghị quyết.

"Khi sửa đổi những nội dung trọng tâm, thể hiện được tính đột phá, tôi kỳ vọng sau sửa đổi được thông qua sẽ nhanh chóng được triển khai và áp dụng vào thực tiễn", bà Sửu nói.

Trên tinh thần đổi mới tư duy đột phá về công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, đây là một lộ trình trong công tác xây dựng pháp luật rất mới.

Theo đại biểu Đoàn Lâm Đồng, đây là mở đầu cho một cuộc cách mạng xây dựng pháp luật với vai trò thẩm quyền của Quốc hội: "Tôi cho rằng, lộ trình này đã được chuẩn bị một cách kỹ càng, chặt chẽ. Điều này thể hiện qua vai trò Quốc hội khi 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại nghị trường tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Lộ trình tiếp theo là của Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013".

Hiện nay, đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về những nội dung liên quan, trong đó, có những đổi mới trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; chuyển đổi mô hình bộ máy Nhà nước tinh gọn, từ mô hình chính quyền 3 cấp chuyển thành mô hình chính quyền 2 cấp. Ông Tạo tin tưởng, trong thời gian tới, các công việc triển khai tiếp theo sẽ đạt được kết quả tốt và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ thu thập đầy đủ ý kiến để trình Quốc hội một lần nữa.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Lâm Đồng, trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Lâm Đồng, trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Cũng theo Đại biểu, Hiến pháp năm 2013 sau khi được sửa đổi, bổ sung, các công việc tiếp theo sẽ được triển khai để đảm bảo sự đồng bộ trong các luật Tổ chức chính quyền địa phương… đảm bảo đồng bộ để tháo gỡ điểm nghẽn, bảo đảm chính quyền hoạt động tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

"Việc sáp nhập một số xã, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh triển khai sau ngày 1/9 thì cần có một hành lang pháp lý chuẩn mực. Tôi mong và hy vọng rằng với tinh thần trách nhiệm của từng ĐBQH, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, tinh thần của Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ được triển khai thực tiễn và mang tính khả thi cao", đại biểu Nguyễn Tạo nói.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-sua-hien-phap-la-mo-dau-cho-mot-cuoc-cach-mang-xay-dung-phap-luat-post1197648.vov
Zalo