ĐBQH: Nhiều dự án năng lượng tái tạo đứng yên giữa trời đất như dấu chấm than

Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận về đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Khi nói về việc đẩy mạnh sửa đổi, triển khai quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị: Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo. Theo ông, hiện nay "nhiều dự án đang đứng im như một dấu chấm than lớn giữa trời đất, gây lãng phí nguồn lực của xã hội”.

Đại biểu Dương Khắc Mai. (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu Dương Khắc Mai. (Ảnh: Media Quốc hội)

Góp ý về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Mai cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển.

Một số quy định của pháp luật cơ chế chính sách còn chậm, chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp, phân quyền còn có nhiều bất cập, hạn chế.

"Tôi đề nghị trong Nghị quyết nên bổ sung tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tham vấn những điểm nghẽn, từ đó làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo, tạo không gian phát triển mới", đại biểu Mai nói.

Hiến kế để tăng trưởng đạt 2 con số

Nhấn mạnh điều kiện góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, năm 2025, đầu tư công là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên cần có giải pháp cụ thể để bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao, đây là khâu yếu kéo dài nhiều năm.

"Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã rất quan tâm, thường xuyên đôn đốc nhưng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều năm chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy, cần đánh giá kỹ làm rõ nguyên nhân từ thể chế cũng như trách nhiệm của các chủ thể để từ đó có giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới”, ông nói.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có Nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, các dự án không nên quá tập trung vào nhau, dự án thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc Bộ thì Bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết. Điều này nhằm tránh sự phiền hà trong đấu thầu, vốn đang gây mất rất nhiều thời gian.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Thân cũng kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu việc giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không nên lấn sân sang nhiệm vụ khác. Ngoài ra, cần tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp tư nhân. Cuối cùng là gỡ bỏ các nút thắt đang triển khai của các dự án vi phạm hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng đề xuất Chính phủ tháo gỡ cho những chương trình, dự án đã đầu tư từ năm 2023, 2024 thậm chí trước đó, đặc biệt các dự án đang bị dừng lại nhiều năm nay do vướng mắc cơ chế chính sách trước kia.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thì cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% và cao hơn trong năm nay là phép thử để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số. “Nếu triển khai tốt năm nay thì giai đoạn tiếp theo sẽ tăng trưởng được 2 con số", ông nói.

Theo ông An, với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng ở mức cao năm nay thì cần quan tâm tới các giải pháp tức thì, tức là những giải pháp có tác động ngay. “Cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường”, ông An nói.

Ông An bày tỏ sự quan tâm tới nguồn lực vì muốn phát triển thì cần có đầu tư và tiền. Bên cạnh tăng đầu tư công thì cũng cần có chỉ tiêu về đầu tư tư - khu vực vừa qua có xu hướng giảm. "Đầu tư tư đang tăng trưởng 7-9%, và có xu hướng giảm thời gian qua, nên cần đặt chỉ tiêu phải tăng 2 con số trở lên. Đầu tư tăng thì phải dựa vào nguồn lực tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16% thì khó, phải tầm 18-19%. Tất nhiên có câu chuyện liên quan chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển”, ông nêu ý kiến.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dbqh-nhieu-du-an-nang-luong-tai-tao-dung-yen-giua-troi-dat-nhu-dau-cham-than-ar926055.html
Zalo