Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
Sáng 12/5, bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 12/5
Trước khi thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Ủy ban Công tác đại biểu trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
Đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại phiên họp:
Thứ nhất, về việc quy định “các khoản thu nhập khác” trong điều khoản quy định về thu nhập chịu thuế: Ngoài một số khoản thu nhập được liệt kê cụ thể, dự thảo Luật đã quy định “các khoản thu nhập khác” nhằm bảo đảm tính bao quát, xác lập cơ sở pháp lý để có thể thu thuế đối với tất cả các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các khoản thu nhập mới phát sinh mà thời điểm hiện nay chưa có căn cứ để quy định trong Luật do chưa có trong thực tiễn. Đây là các nội dung được kế thừa từ quy định hiện hành, không phát sinh vướng mắc trong thực hiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Thứ hai, về quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bên cạnh nhiều nội dung khác, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời, doanh nghiệp nhận tài trợ được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt các khoản tài trợ này là nhận được từ các doanh nghiệp độc lập bên ngoài hay là nhận được từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các khoản chi cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi. Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và doanh nghiệp nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết.
Các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nên cần được xem xét thận trọng và có thể trước mắt chưa nên áp dụng việc miễn thuế này đối với một số ít các trường hợp mà giữa bên cho và bên nhận là các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ; đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu của việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách; trong quá trình tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết, sự thay đổi về nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và số nộp ngân sách của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.
Thứ ba, về quy định cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động kinh doanh khác khi xác định thu nhập tính thuế: Quy định hiện hành không cho phép việc bù trừ này để bảo đảm đóng góp vào ngân sách đối với các khoản lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có xu hướng kinh doanh đa ngành, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi quy định này để tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đã đặt ra; tác động về số thu theo báo cáo là không đáng kể.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về rủi ro của quy định này khi thực hiện vì có thể tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp lợi dụng làm giảm nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư thông qua việc được bù trừ với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác có thể chỉ mang tính ngắn hạn và được hạch toán lỗ có chủ đích; số liệu đánh giá theo báo cáo (trên cơ sở dữ liệu năm 2023) chưa thể hiện được sát thực tác động trên thực tế sau khi thực hiện.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, nội dung này cần được tiếp tục đánh giá kỹ hơn về tác động thực tế của chính sách khi đã đi vào thực hiện để loại trừ rủi ro lợi dụng chính sách làm giảm nghĩa vụ thuế, ảnh hưởng đến số thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Với tinh thần ủng hộ Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 8%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội đồng ý với đề xuất nội dung sửa đổi này của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đạt mục tiêu, tránh việc bị lợi dụng chính sách, bảo đảm Quy định 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị.
Thứ tư, về chính sách ưu đãi để khuyến khích hoạt động nghiên cứu phát triển, cho phép doanh nghiệp được trừ chi phí bổ sung, cao hơn mức thực chi của doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khoản chi phí bổ sung áp dụng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết về mức chi được trừ bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng đối với các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý và vẫn linh hoạt cho Chính phủ trong nghiên cứu xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện một cách phù hợp với khả năng cho phép.
Đồng thời, trên cơ sở rà soát, kiến nghị của Cơ quan soạn thảo, dự thảo Luật cũng đã bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản khi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ năm, về các khoản chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số khoản chi đặc thù khác đã phát sinh trên thực tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, tránh vướng mắc trong thực hiện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, kết cấu lại theo hướng quy định thành một khoản mục riêng cho những khoản chi không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan soạn thảo, để giải quyết vướng mắc trên thực tế của các doanh nghiệp và địa phương, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung một số khoản chi đặc thù khác đã phát sinh trên thực tế cũng được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Theo đó, khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật thể hiện cụ thể chi phí được trừ bao gồm: (a) các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó bao gồm cả chi phí bổ sung cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp; (b) một số khoản chi đặc thù không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ sáu, về thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tính thống nhất với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Dự thảo Luật đưa ra các mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ (mức 15%, 17%) về cơ bản dựa trên mức ưu đãi của Luật hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
Cùng với việc được hưởng thuế suất ưu đãi, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu đáp ứng các điều kiện về ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực thì cũng thuộc diện được áp dụng các chính sách ưu đãi này theo quy định của dự thảo Luật với các mức độ ưu đãi cao hơn.
Về tiêu chí doanh nghiệp được áp dụng thuế suất 15% hoặc 17%: Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều tiêu chí để xác định loại hình doanh nghiệp và được phân chia theo lĩnh vực hoạt động. Theo các tiêu chí này, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới gần 94% tổng số doanh nghiệp hiện nay. Nếu sử dụng các tiêu chí này để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thì dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải, không hiệu quả. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ sử dụng tiêu chí về doanh thu để bảo đảm sự đơn giản, thuận lợi và phù hợp với công tác quản lý thuế cũng như thông lệ chung của các nước.
Thứ bảy, đối với ưu đãi thuế và tính thống nhất với các quy định pháp luật về đầu tư và một số luật chuyên ngành: Dự thảo Luật trình Quốc hội được Chính phủ xây dựng trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống các ưu đãi thuế hiện hành đang quy định tại các văn bản pháp luật về đầu tư và các Luật chuyên ngành và về cơ bản, đã kế thừa các quy định hiện hành; đồng thời, sắp xếp, thu hẹp lại các ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể được hưởng ưu đãi và bổ sung một số quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang được quy định tại các luật chuyên ngành.
Với định hướng sửa đổi này, phạm vi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo Luật không thể hoàn toàn đồng bộ và thống nhất với các quy định ưu đãi đang quy định tại pháp luật về đầu tư và một số luật chuyên ngành. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản Luật chuyên ngành và để xử lý các nội dung chưa thống nhất với quy định tại các Luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật này”.
Theo đó, các ưu đãi thuế cần được và chỉ nên được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế; đồng thời, cần chấm dứt việc lồng ghép chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính tổng thể, nhất quán của hệ thống ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ tám, về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực: Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in; điều chỉnh các quy định ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số cho phù hợp và cân đối trong tổng thể chung các ngành, nghề, lĩnh vực cần được ưu đãi thuế liên quan đến Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời, để giải quyết khoảng trống trong chính sách hiện hành về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư, bảo đảm điều kiện hưởng các ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật đã chỉnh lý giao Chính phủ quy định cụ thể về thời gian giải ngân tổng số vốn đầu tư trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Theo chương trình kỳ họp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều ngày 13/6 tới./.