ĐBQH Lâm Đồng góp ý 2 dự thảo luật về tổ chức Chính phủ và tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý thảo luận về các dự án luật quan trọng

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý thảo luận về các dự án luật quan trọng

Tham gia góp ý thảo luận tại tổ, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng có một số ý kiến góp ý về nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; về thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cần có cơ chế giám sát để đảm bảo không có trở ngại khi tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời, bổ sung quy định có tính chất chuyển tiếp xử lý các trường hợp mà thủ tục hành chính đang thực hiện, chưa có kết quả giải quyết.

Ngoài ra, đại biểu Tú Anh còn góp ý về thực hiện chức năng thanh đề nghị quy định cụ thể về việc ban hành và xử lý kết luận thanh tra đối với trường hợp đối tượng thanh tra là công an cấp huyện vì công an cấp huyện kết thúc hoạt động theo chủ trương chung; về thời hạn rà soát, xử lý văn bản và về giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý 2 dự thảo luật lần này đã sửa đổi 2 vấn đề lớn về phân cấp, phân quyền và ủy quyền mang tính đột phá, phù hợp với tính nguyên tắc. Đây là luật xương sống, luật gốc, nội dung các điều luật tốt nhưng kỹ thuật lập pháp cần lưu ý thêm một số vấn đề.

Về phân cấp, phân quyền: Luật đã quy định quyền của cơ quan lập pháp, quyền đã được trao về cho Chính phủ nhưng phân cấp tiếp cho cấp dưới, còn ủy quyền mang tính tạm thời. 2 dự án luật đã thể hiện chủ thể ủy quyền, đối tượng ủy quyền là khác nhau, còn nguyên tắc, điều kiện ủy quyền có sự giống nhau. Nên thiết kế cho đầy đủ, Luật Tổ chức Chính phủ quy định phạm vi, nguyên tắc, điều kiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền; còn Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định nội dung còn lại.

ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển phát biểu góp ý 2 dự luật

ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển phát biểu góp ý 2 dự luật

Về quy định chuyển tiếp của 2 dự thảo luậ, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đồng ý với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về ủy quyền lập pháp cho Chính phủ; đồng thời, giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền ngưng hiệu lực nếu văn bản khác với luật.

ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng góp ý về sắp xếp tổ chức bộ máy

ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng góp ý về sắp xếp tổ chức bộ máy

Quan tâm đến vấn đề sắp xếp bộ máy, ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương lần này là cơ hội để chúng ta hoàn thiện hơn nữa bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Tán thành cao dự thảo luật lần này đã xác định thẩm quyền của Chính phủ, chế định phân cấp, chế định ủy quyền của Chính phủ làm rõ hơn nội dung ủy quyền, cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương, thể hiện đúng thực tiễn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo băn khoăn về chế định đặc thù, thí điểm của các địa phương: Quốc hội khóa XIV, khóa XV ban hành nhiều nghị quyết đặc thù Thủ đô, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh..., cần quy định rõ hơn về phân cấp, phân quyền khác với luật.

Để hoạt động hành chính từ Trung ương đến địa phương được thông suốt cần áp dụng từng trường hợp cho phù hợp với điều khoản chuyển tiếp tại 2 dự thảo luật.

Về tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh: Trên thực tế vừa qua, nhiều địa phương diễn biến bất thường, xảy ra tình trạng khuyết chức danh Chủ tịch UBND trong thời gian dài, ảnh hướng rất lớn đến việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lần này, Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã quy định về việc giao quyền Chủ tịch UBND và Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, cả hai dự thảo luật đều không quy định về thời gian để thực hiện, đây là một khoảng trống cần được bổ sung quy định cụ thể.

Do đó, đề nghị khuyết chức danh ở cấp nào thì phải có thời gian cụ thể để giao quyền Chủ tịch UBND ở cấp đó. Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề xuất trong thời gian 30 ngày đối với cấp tỉnh, 20 ngày đối với cấp huyện, 10 ngày đối với cấp xã HĐND cấp đó trình cấp trên để giao quyền Chủ tịch UBND.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/dbqh-lam-dong-gop-y-2-du-thao-luat-ve-to-chuc-chinh-phu-va-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-509224d/
Zalo