ĐBQH Bắc Kạn thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

BBK- Chiều 07/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại Tổ.

Tham gia thảo luận tại Tổ 11 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Long, Sơn La và Long An), các ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã sôi nổi thảo luận, cơ bản nhất trí với quan điểm chung của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cũng như các dự thảo luật vì đây thực sự là vấn đề cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể vào nội dung các dự thảo trên.

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật lần này không còn quy định quyền chất vấn đối với các cơ quan tư pháp của Đại biểu HĐND cấp tỉnh là chưa phù hợp bởi các quyết định của các cơ quan tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền của công dân, đặc biệt là các tranh chấp và quyền tài sản.

Từ đó, đại biểu đề nghị tiếp tục quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, đảm bảo tính khách quan, chính xác của các quyết định tư pháp.

 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới thảo luận tại Tổ.

Cùng tham gia thảo luận về dự thảo Luật này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho rằng, quy định về cơ chế ủy quyền chưa thực sự chặt chẽ, rõ ràng, đặc biệt việc xác định trách nhiệm khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ ngoài phạm vi, thời hạn hoặc nội dung ủy quyền.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền. Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền không thực hiện đúng, cơ quan ủy quyền phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và vẫn phải chịu trách nhiệm.

Đối với quy định về cơ cấu các chức danh HĐND, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị dự thảo Luật cần quy định các chức danh HĐND cấp tỉnh, cấp xã đầy đủ và chặt chẽ hơn để đảm bảo không xảy ra trường hợp có nơi sẽ không có đại biểu chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử, làm giảm vai trò và chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử trong tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân để đảm bảo có đủ đại biểu chuyên trách, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy tối đa vai trò của chính quyền địa phương và cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân băn khoăn về quy định "trường hợp đặc biệt" cho phép chỉ định người không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân giữ chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã. Do đó, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa "trường hợp đặc biệt", xác định rõ các tiêu chí, điều kiện áp dụng và phạm vi các chức danh lãnh đạo có thể bổ nhiệm theo quy định này ngay trong nghị quyết, để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

 Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thảo luận tại Tổ.

Thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), quan tâm đến các quy định về đánh giá cán bộ, công chức, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị bổ sung yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cũng như phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ một cách khách quan, trung thực và chính xác. Đồng thời, đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn, có thể định lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, áp dụng các phần mềm đánh giá tự động để đảm bảo cán bộ, công chức được đánh giá một cách khách quan, công tâm.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị dự thảo Luật cần xem xét kỹ lưỡng quy định cán bộ, công chức khi đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí sang vị trí việc làm ở cấp thấp hơn hoặc buộc thôi việc, để đảm bảo tính nhân văn và thấu tình đạt lý hơn. Đại biểu lo ngại quy định như dự thảo Luật sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực, khó cải thiện hiệu quả công việc và công chức không có cơ hội sửa sai hay khắc phục hạn chế; nếu quy định quá cứng nhắc sẽ khiến người vi phạm vừa bị đánh giá thấp, vừa bị xem như đã chịu hai hình thức kỷ luật. Do đó, đề nghị việc đánh giá cần tính đến yếu tố khách quan và đảm bảo nhân văn hơn.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quyền của cán bộ, công chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và năng lực thích ứng với chuyển đổi số./.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dbqh-bac-kan-thao-luan-ve-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-post70662.html
Zalo