Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Sáng 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trên cơ sở quán triệt tinh thần chỉ đạo về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong quá trình hoàn thiện văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật cũng như nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đến nay, về cơ bản, dự thảo luật bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi luật, không có nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 chương, 52 điều, giảm 37 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ghi nhận những nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu từ Kỳ họp thứ 8 cho đến nay.

Về những hành vi bị nghiêm cấm dự thảo luật quy định có 6 hành vi khá bao quát, tuy nhiên, đề nghị bổ sung việc sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống, cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật, làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Theo đại biểu, vấn đề này hiện nay diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả… làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Về phân loại, ghi nhãn hóa chất, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện lại việc phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị trường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định” để xác định trách nhiệm của các bên phát hiện và bên cập nhật thông tin; tăng cường tính kịp thời, giảm nguy cơ lưu hành hóa chất với thông tin cũ về đặc tính nguy hiểm; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, có thể giám sát việc cập nhật thông tin về hóa chất nguy hiểm.

Về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tại các điểm a, b, c khoản 2, điều 39 lần lượt quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong các hoạt động dân sự, lĩnh vực an ninh, lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, tại khoản 6 điều này chỉ quy định: “Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, điểm a khoản 2 điều này; nội dung, hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất”. Do đó, cần bổ sung cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các nội dung liên quan trong lĩnh vực an ninh, lĩnh vực quốc phòng nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 điều này.

Về bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất (điều 35), xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (điều 40) dự thảo luật quy định các cơ sở hóa chất phải xây dựng và ban hành các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố và phải thường xuyên huấn luyện, thực hành diễn tập các phương án ứng phó sự cố hóa chất. Đại biểu nhấn mạnh, thời gian qua vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa bảo đảm an toàn theo đúng các quy định hiện hành. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) lần này kỳ vọng quản lý khá rộng từ chiến lược phát triển ngành, lập dự án, khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối tiêu dùng, xử lý sự cố rủi ro… nhưng thiếu biện pháp khả thi để kiểm soát trong thực tế. Do đó, đề xuất bên cạnh những quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất đề nghị ban soạn thảo bổ sung chế tài về lĩnh vực này.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-doan-thi-le-an-phat-bieu-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-hoa-chat-sua--3177064.html
Zalo