Dậy từ 5h sáng, đi 150 km để gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Ngày 26/4, tại buổi ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, hàng trăm độc giả đã có mặt từ rất sớm để được gặp gỡ, trò chuyện và xin chữ ký từ nữ tác giả.
Ghi dấu ấn với Cánh đồng bất tận và khẳng định vị thế bằng những tác phẩm tiếp nối như Đong tấm lòng, Khói trời lộng lẫy, Sông, Trôi..., Nguyễn Ngọc Tư chưa bao giờ ngừng làm mới mình trong hành trình viết nhưng có một điều luôn hiện diện trong các tác phẩm của cô: cái day dứt, khắc khoải về thân phận con người và tình yêu da diết với mảnh đất Tây Nam Bộ.
Từ Sóc Trăng, Long An, Cà Mau… lên phố xin chữ ký
Buổi ký tặng không chỉ thu hút độc giả trẻ mà còn có những độc giả trung niên - những người đã theo dõi văn chương của Nguyễn Ngọc Tư từ những ngày đầu. Nhiều người dậy từ 4-5 giờ sáng chỉ để kịp có mặt xin chữ ký, nắm tay tác giả và kể lại những kỷ niệm thanh xuân gắn liền với từng trang sách.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách. Ảnh: Hoàng Yến.
Cô Ngọc Tuyết (63 tuổi), giáo viên đến từ Long An, cho biết mình đã dậy từ 5 giờ sáng để đến TP.HCM cho kịp buổi ký tặng: “Tôi đọc Nguyễn Ngọc Tư từ năm 1990, từ Cánh đồng bất tận. Tôi yêu cách cô ấy miêu tả những cánh đồng, những nồi kho quẹt, những hôm mắc mưa... tất cả hiện lên như một bức tranh quê chân thực, mộc mạc, mà ai từng lớn lên ở miền Tây cũng thấy mình đâu đó”.
Thổn thức trước chữ nghĩa của Nguyễn Ngọc Tư, cô Tuyết đã giới thiệu sách cho những người học trò mình từng dạy, để rồi mấy chục năm sau, chính những đứa học trò ấy lại đem lòng yêu mến văn chương Nguyễn Ngọc Tư như một phần ký ức. “Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư khiến người ta nhớ lại tuổi thơ, nhớ lại quá khứ, nên mới dễ đi vào lòng người đến thế”, cô Tuyết nói.
Không chỉ có những người trưởng thành gói ghém tuổi thơ trong sách cũ, những người trẻ sinh ra giữa thời đại mới cũng tìm thấy nơi văn chương Nguyễn Ngọc Tư sự đồng cảm âm thầm.
Bạn Lương Hoàng Duy (21 tuổi), quê Sóc Trăng, cũng có mặt từ sớm để xin chữ ký: “Cảm xúc khi đọc Nguyễn Ngọc Tư luôn là sự thân thuộc. Có lẽ vì mình cũng đến từ miền Tây, nên đọc văn cô thấy gần gũi lắm. Mình thích nhất Khói trời lộng lẫy - nhẹ nhàng mà ám ảnh”.
Có lẽ, sự gần gũi về địa lý chỉ là cái cớ ban đầu. Thứ khiến người ta ở lại chính là cái buốt lòng từ những phận người bé mọn mà Nguyễn Ngọc Tư kiên nhẫn bày ra.

Bạn Lương Hoàng Duy (21 tuổi) đến từ Sóc Trăng. Ảnh: Hoàng Yến.
“Ai rồi cũng lớn, kể cả nhà văn”
Trong hành trình viết của mình, Nguyễn Ngọc Tư không ngừng thay đổi. Văn phong của chị ngày càng đa dạng, giàu suy tư và thử nghiệm hơn nhưng những thay đổi ấy không làm mất đi tình cảm của độc giả, mà ngược lại, còn khiến người ta cảm phục hơn.
Cô Mộng Xuân (Tây Ninh) tâm sự: “Tôi đọc Cánh đồng bất tận nhiều lần, xem cả phim rồi lại về đọc sách. Mỗi lần đọc là một lần thấy mới. Văn của cô Tư bây giờ không còn mộc mạc như trước, mà trau chuốt, lắng đọng hơn. Nhưng điều đó tự nhiên thôi, ai rồi cũng phải lớn lên”.
Bạn đọc Thủy Tiên (32 tuổi) quê Cà Mau cho biết mình bắt đầu đọc Nguyễn Ngọc Tư từ năm lớp 8 và đến nay chưa từng bỏ sót bất kỳ tác phẩm nào: “Mỗi lần sách tái bản là mình lại mua, không phải vì sách cũ hư mà vì cảm xúc mỗi lần đọc lại đều khác. Văn chương của cô Tư khiến mình lớn lên cùng cô - hiểu thêm một chút về đời, về người”.

Bạn Thủy Tiên (32 tuổi) đến từ Cà Mau. Ảnh: Hoàng Yến.
Không đến từ miền Tây, cũng không trải qua trải qua tuổi thơ miền sông nước nhưng lớp học sinh phổ thông hôm nay cũng đang tìm thấy chính mình trong những trang văn Nguyễn Ngọc Tư.
Hai học sinh lớp 10 chuyên Văn của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - Bảo Hân và Thái Hòa - đều biết đến Nguyễn Ngọc Tư từ Cánh đồng bất tận và từ đó không rời xa trang sách. “Có thể em còn nhỏ, chưa hiểu hết nỗi khắc khoải trong văn chương của cô Tư, nhưng em tin mình đồng cảm được phần nào số phận những nhân vật cô viết ra”, Bảo Hân chia sẻ.
Thái Hòa cho rằng một trong những điểm đặc biệt của Nguyễn Ngọc Tư là sự độc lập trong từng câu chuyện: “Mỗi truyện là một thế giới riêng, không lẫn vào đâu được. Em không mong cô viết văn vui hơn vì chính cái day dứt đó mới khiến em cứ trăn trở mãi sau khi gấp sách lại”.
Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư âm thầm thấm sâu vào lòng người đọc bằng sự chân thành, bằng ký ức, bằng cả những khoảng lặng mà ai cũng từng đi qua. Và đúng như lời của cô giáo Ngọc Tuyết nói: “Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư khiến người ta nhớ lại tuổi thơ, nhớ lại quá khứ. Mà ký ức thì đâu bao giờ cũ”.