Giá trị của tình yêu hòa bình

Tình yêu hòa bình không chỉ là khát vọng mà còn là sức mạnh tinh thần vô giá của Nhân dân Việt Nam. Trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt, khát vọng ấy vẫn rực cháy để soi đường cho dân tộc, rằng chỉ có hòa bình, độc lập và tự do mới là đích đến cuối cùng.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Du khách bên xe tăng 390 tại Dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh) - biểu tượng chiến thắng và khát vọng hòa bình của dân tộc.

Du khách bên xe tăng 390 tại Dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh) - biểu tượng chiến thắng và khát vọng hòa bình của dân tộc.

Khát vọng từ trong máu thịt

Từ ngàn đời nay, tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình đã ăn sâu vào máu thịt người Việt. Không chỉ trong chiến tranh hiện đại mà từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, đến thời Lý, Trần, Lê... lịch sử đã ghi lại biết bao cuộc kháng chiến vĩ đại, nơi mà lòng yêu nước luôn song hành với mong muốn lập lại thái bình, để dân được sống an vui, làm ăn trên ruộng đồng, bãi biển quê hương. Mỗi người nông dân cày ruộng, mỗi người ngư dân ra khơi đều mang theo tâm niệm gìn giữ non sông. Khát vọng đó không chỉ dừng ở lý tưởng, mà còn là hiện thực khi Nhân dân ta từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông đều sẵn sàng đứng vào hàng ngũ kháng chiến, không phải để gieo rắc hận thù, mà là để đòi lại quyền được sống yên ổn. Trong tâm thức người Việt, hòa bình là giá trị thiêng liêng, cao cả, không thể bị đánh đổi bằng sự áp đặt hay khuất phục. Và chính vì thế, trong suốt các cuộc kháng chiến, dù phải chịu đựng hy sinh, gian khổ đến đâu, Nhân dân ta vẫn kiên cường tiến bước, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng chỉ có chiến đấu mới giành lại được nền hòa bình thật sự, chứ không phải thứ hòa bình trong sự nô dịch. Tinh thần ấy truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thành ngọn lửa không bao giờ tắt trong lòng dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé trên bản đồ thế giới, đã không ít lần phải đứng lên chống lại những kẻ xâm lược hùng mạnh hơn gấp bội. Nhưng ngay cả trong những ngày tháng tăm tối nhất của chiến tranh, điều mà Nhân dân ta mong mỏi không chỉ là thắng lợi quân sự, mà là một nền hòa bình thực sự, trong độc lập và tự do.

Hòa bình không phải là sự khuất phục, càng không phải là cầu an. Khi tiếng súng xâm lược vang lên, Nhân dân Việt Nam đã chọn con đường đứng dậy. Không ai muốn cầm súng, nhưng khi buộc phải chọn giữa làm nô lệ và chiến đấu, họ đã chọn chiến đấu để bảo vệ quê hương, để con cháu mai sau được sống trong thanh bình. Từ Bắc vào Nam, hình ảnh người mẹ tiễn con lên đường, người dân gùi từng bao gạo, hạt muối tiếp tế cho chiến trường là minh chứng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Không ai đứng ngoài cuộc kháng chiến vĩ đại ấy. Hàng triệu người đã hy sinh không chỉ vì độc lập dân tộc, mà còn vì một lý tưởng cao đẹp hơn, đó là để Nhân dân được sống yên ổn trên chính mảnh đất của mình.

“Chúng ta muốn hòa bình, nhưng chúng ta không khuất phục. Hòa bình chỉ bền vững khi độc lập được giữ vững và công lý được thực thi” - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời hiệu triệu của Người, tiếng nói tha thiết của hòa bình chưa bao giờ tắt. Hòa bình là khát vọng chính đáng của cả dân tộc, nhưng phải được xây dựng trên nền tảng của độc lập, công lý và lòng tự hào dân tộc.

Chính nghĩa được thế giới ủng hộ

Tình yêu hòa bình và cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam đã lay động lương tri nhân loại. Các cuộc biểu tình phản chiến tại Mỹ, các chiến dịch quyên góp, những tiếng nói của trí thức như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre... là sự hậu thuẫn tinh thần vô cùng lớn. Việt Nam trở thành biểu tượng của một dân tộc nhỏ mà không cúi đầu, dùng chính nghĩa để giành hòa bình.

Học sinh đến tham quan, tìm hiểu truyền thống yêu nước tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Hậu Lộc).

Học sinh đến tham quan, tìm hiểu truyền thống yêu nước tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Hậu Lộc).

Không chỉ trong nước, cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam đã khơi dậy làn sóng đồng cảm sâu sắc trên toàn thế giới. Từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, hàng triệu con người, không kể màu da, tôn giáo, đã xuống đường phản đối chiến tranh, kêu gọi chấm dứt bạo lực và ủng hộ quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn, nhà báo, trí thức, sinh viên... đã xem cuộc đấu tranh của Việt Nam như một biểu tượng tiêu biểu cho khát vọng hòa bình và công lý trên toàn cầu. Nhiều phóng viên quốc tế đã vào tận chiến trường, bất chấp hiểm nguy để đưa ra sự thật, làm sáng tỏ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến xâm lược. Họ kể về một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, về những con người không khuất phục trước bạo tàn. Những thước phim, bài viết, lời kêu gọi... chính là sự cộng hưởng mạnh mẽ góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam lan tỏa toàn cầu. Càng bị bom đạn tàn phá, Việt Nam càng kiên cường, bất khuất và càng khiến Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới khâm phục. Không chỉ chiến thắng quân sự, Việt Nam còn giành thắng lợi trong trái tim của hàng triệu người yêu chuộng hòa bình khắp năm châu. Thắng lợi ấy đã khẳng định mạnh mẽ rằng: một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu chính nghĩa thì vẫn có thể lay động cả thế giới.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng giá trị của tình yêu hòa bình vẫn luôn hiện hữu. Việt Nam hôm nay là một quốc gia độc lập, ổn định, hòa bình - một thành tựu không gì sánh bằng. Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: “Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình để phát triển là mục tiêu xuyên suốt của dân tộc" (Văn kiện Đại hội XIII, năm 2021).

Anh Lê Quốc Hưng, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: “Tôi lớn lên trong hòa bình. Càng biết rõ lịch sử, tôi càng trân trọng những hy sinh của thế hệ đi trước và tự nhắc mình sống xứng đáng với điều đó”. Chị Phạm Thị Lan, giáo viên Lịch sử tại TP Thanh Hóa cho biết: “Tình yêu hòa bình cần được gieo mầm trong giáo dục, không bằng khẩu hiệu mà bằng cảm xúc thật, câu chuyện thật”.

Ngày 30/4/1975 - ngày đất nước thu về một mối. Những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập cũng là lúc tiếng súng ngừng nổ, trẻ thơ được đến trường, mẹ không còn khóc tiễn con ra trận. Chiến thắng không chỉ là kết quả của sức mạnh vũ khí, mà là chiến thắng của lòng yêu nước và tinh thần hòa bình bất diệt. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đã chứng minh một điều: hòa bình không đến từ sự nhân nhượng của kẻ thù, mà từ lòng quả cảm và khát vọng sống mãnh liệt của cả một dân tộc. Hôm nay, chúng ta sống trong hòa bình, phải càng biết trân quý hơn những giọt máu đã đổ. Lịch sử không đòi hỏi chúng ta phải trả ơn bằng chiến công, mà bằng sự tử tế và lòng biết ơn. Mỗi người trẻ hôm nay, khi lắng nghe những câu chuyện chiến tranh, hãy để trong tim mình một niềm biết ơn tĩnh lặng nhưng sâu sắc với những người đã ngã xuống để ta có thể ngẩng cao đầu sống trong thời bình.

Và trong từng bước đi vững chãi của dân tộc hôm nay, tình yêu hòa bình vẫn là ánh sáng soi đường. Để mỗi 30/4 không chỉ là ngày chiến thắng, mà còn là lời nhắc nhở - rằng hòa bình là thiêng liêng, là trách nhiệm, là lẽ sống bất biến của người Việt Nam.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gia-tri-cua-tinh-yeu-hoa-binh-246933.htm
Zalo