Dạy online có cần đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29 hay không?

Sau khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều giáo viên thắc mắc nếu chuyển sang hình thức dạy online có cần đăng ký kinh doanh hay không.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Thông tư 29 không hề nói dạy thêm theo hình thức nào, như vậy, dạy ở nhà là trực tiếp hay online cũng là dạy thêm. Trường hợp giáo viên dạy thêm có thu tiền thì không được dạy chính học sinh của mình và phải đăng ký kinh doanh.

Nhiều giáo viên thắc mắc nếu dạy online có cần đăng ký kinh doanh hay không (Ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên thắc mắc nếu dạy online có cần đăng ký kinh doanh hay không (Ảnh minh họa)

Ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm, một số giáo viên băn khoăn trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm 5-7 em ở nhà có đăng ký kinh doanh hay không? Thông tư 29 đã quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh. Như vậy dù dạy một vài em ở nhà, giáo viên vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 29.

"Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát.

Cũng có những ý kiến lo ngại Thông tư sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của giáo viên, tuy nhiên cần hiểu rằng Thông tư không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu nhà giáo nỗ lực, là giáo viên giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho học sinh chắc chắn sẽ không thiếu học sinh tìm đến học. Chỉ có trường hợp, giáo viên được trường phân công dạy học sinh trong trường thì không được dạy thêm có thu tiền với các em đó ở bên ngoài nhằm hạn chế được tình trạng giáo viên kéo học sinh ra ngoài học thêm, cắt giảm kiến thức trên lớp để dạy thêm", ông Vũ Xuân Thành nói.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lo ngại về việc nhà trường dừng dạy thêm nhưng có thể xuất hiện dạy thêm trá hình dưới hình thức “câu lạc bộ" tự nguyện đóng phí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định, các hoạt động giáo dục trong nhà trường được tổ chức dưới nhiều hình thức. Theo khoản 2 Điều 19 Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, việc thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các hình thức: học lý thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, hoạt động phục vụ cộng đồng, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ...

"Chúng ta không thể quản lý theo tên gọi. Các cơ quan quản lý phải giám sát, theo dõi và kiểm tra. Do đó, nếu tổ chức dưới những hình thức câu lạc bộ quan trọng là bản chất của hoạt động trong câu lạc bộ đó như thế nào. Nếu học câu lạc bộ mà học sinh vẫn được xếp vào một lớp, giáo viên vẫn giảng từ đầu đến cuối, đưa bài tập để giải rồi chữa... đó là trá hình và không được tổ chức. Nhưng nếu học sinh được thực hiện những nhiệm vụ thầy cô giao từ trước, được trình bày quan điểm, chia sẻ, trao đổi với nhau, để đạt được yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện phát triển kỹ năng thì tại sao chúng ta phải cấm? Về vấn đề này hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, có giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý", ông Vũ Xuân Thành nói.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/day-online-co-can-dang-ky-kinh-doanh-theo-thong-tu-29-hay-khong-post1155168.vov
Zalo