Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Tính đến đầu tháng 5, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi toàn tỉnh Gia Lai mới chỉ đạt 14,4%.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn và chuẩn bị các điều kiện để tổng kết giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Tổng kế hoạch vốn năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là hơn 966,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 785,322 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 492,344 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 292,978 tỷ đồng); ngân sách địa phương 181,6 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 166,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 15 tỷ đồng).

Song, theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước khu vực XIV, tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc chương trình (bao gồm nguồn vốn năm 2024 chuyển qua tiếp tục thực hiện và vốn đầu tư phát triển năm 2025 đã thực hiện phân bổ) tính đến đầu tháng 5-2025 mới chỉ đạt 14,4%. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển thấp như: Mang Yang (0,4%), Đak Đoa (0,6%), Ia Pa (1,4%), Chư Pưh (4,7%), Đak Pơ (6,3%).

Bên cạnh đó, các huyện: Chư Sê, Ia Grai, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku chưa thực hiện giải ngân vốn. Tính đến ngày 14-5, chương trình đã giải ngân 83,7/368,9 tỷ đồng, bằng 22,7% kế hoạch vốn; vốn năm 2024 chuyển tiếp đã giải ngân 35,5/96,1 tỷ đồng, bằng 36,95% kế hoạch vốn.

 Người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.D

Người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.D

Nguyên nhân giải ngân của các địa phương đạt thấp chủ yếu là do một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện; một số nội dung không còn đối tượng hỗ trợ (đối tượng đào tạo nghề, đối tượng tham gia các lớp tập huấn về hỗ trợ phát triển sản xuất; đối tượng theo dự tính ban đầu đã đủ điều kiện ra khỏi diện hỗ trợ của chương trình do xã đạt chuẩn nông thôn mới, thoát nghèo…).

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch nên đã lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu (mới). Ngoài ra, việc các ngành, địa phương tập trung cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức cũng ảnh hưởng đến việc tập trung triển khai thực hiện, giải ngân vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chương trình và chuẩn bị các điều kiện để tổng kết giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các giải pháp.

Trong đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, không để công việc bị gián đoạn do quá trình sắp xếp tổ chức lại bộ máy. Người đứng đầu của các đơn vị, địa phương được giao vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về tiến độ giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn được giao.

Ông Trương Thanh Tùng-Phó Giám đốc Sở Tài chính-cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng phương án phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện chương trình năm 2025, sau đó tham mưu trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí kịp thời”.

Cũng theo ông Tùng, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án đầu tư mới được phân bổ vốn năm 2025; đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, hồ sơ nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành đảm bảo theo quy định.

 Nông thôn Gia Lai từng bước khởi sắc nhờ triển khai hiệu quả chương trình MTQG Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Hà Duy

Nông thôn Gia Lai từng bước khởi sắc nhờ triển khai hiệu quả chương trình MTQG Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Hà Duy

Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải dự báo và khắc phục hạn chế khó khăn, vướng mắc sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp xã (nơi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại) tiến hành rà soát toàn bộ các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình đang được cấp huyện, cấp xã quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; rà soát kế hoạch, điều chỉnh (nếu cần) và xác định rõ cơ quan, đơn vị chuyên môn, đơn vị hành chính cấp dưới (sau sắp xếp) chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, tổ chức triển khai, đảm bảo tính liên tục và hiệu quả.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Quang Bút-Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực XIV-cho hay: Kho bạc Nhà nước khu vực XIV tiếp tục thực hiện kịp thời việc thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư.

Đối với đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi thực hiện chương trình, ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo-nhấn mạnh: “Đây là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021-2025).

Theo đó, Sở tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ.

Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương trình tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp tổ chức lại; đôn đốc triển khai các nội dung công việc theo kế hoạch, đảm bảo chương trình được triển khai theo yêu cầu, mục tiêu nhiệm vụ đề ra”.

HÀ DUY

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cho-vung-dan-toc-thieu-so-post323843.html
Zalo