'Ông lớn' thi công mái nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; siết bảo hiểm cháy nổ nhà trọ
Bất động sản tuần qua nổi bật với tin tức liên quan đến thuế bất động sản; từ 1/7, nhà trọ, quán ăn thuộc diện này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hết dột mái đến hở sàn: Ai là nhà thầu thi công?...
Siết chặt việc đất bỏ hoang, hàng chục năm không xây nhà chờ giá tăng
Liên quan đến chính sách thuế bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã yêu cầu nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai.
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện Luật Thuế tài sản (chủ yếu là thuế bất động sản).
"Khi Luật Thuế tài sản ra đời sẽ không còn đất bỏ hoang, bởi cá nhân, doanh nghiệp sẽ chỉ dám mua để khai thác sử dụng. Còn nếu mua để chờ tăng giá thì phải nộp thuế cho nhà nước", chuyên gia đề xuất.
Nhà tái định cư lác đác bóng người ở Hà Nội, không thể đổ cho vướng cơ chế
Sau khi theo dõi loạt bài phản ánh của VietNamNet về tình trạng dự án tái định cư nghìn tỷ bỏ trống, lác đác hộ dân về ở tại Hà Nội, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, cho rằng, những khối nhà khang trang nhưng lạnh lẽo giữa lòng Thủ đô là minh chứng cho một nghịch lý đau lòng: Bỏ trống giữa thiếu thốn, tức nhà bỏ trống trong khi người dân vẫn thiếu nơi ở ổn định.

Sau 5 năm hoàn thành, tòa CT3 dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 mới bàn giao 10 căn. Ảnh: Hồng Khanh
“Phía sau những tòa nhà không đèn là những bất cập liên quan đến thiết kế chính sách và quản lý vòng đời công trình công. Đây không chỉ là vấn đề ngân sách, mà còn là dấu hiệu của một tư duy điều hành chưa đến cùng”, ông Tú nói.
Theo luật sư này, nhà xây xong mà không đưa vào sử dụng đúng thời điểm thì đó là thất bại trong khâu hoạch định, không thể chỉ đổ lỗi cho sự “vướng cơ chế”.
Từ 1/7, nhà trọ, quán ăn thuộc diện này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó quy định cụ thể danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo nghị định, danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định tại Phụ lục VII, gồm 44 cơ sở.
Trong danh mục 44 cơ sở có nhà để xe ô tô, xe máy, nhà trưng bày ô tô xe máy có tổng diện tích sàn từ 500m2; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có tổng diện tích sàn từ 300m2.
Ngoài ra, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có tổng diện tích phục vụ sản xuất kinh doanh từ 200m2 trở lên cũng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hết dột mái đến hở sàn: Ai là nhà thầu thi công?
Sau sự cố nước dột từ mái xuống khu vực hành khách chờ lên tàu bay được khắc phục, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục xuất hiện các khe hở trên sàn, gây mất mỹ quan, tạo thành 'bẫy' cho hành khách.
Chiều 25/5, hành khách tiếp tục ghi lại clip nước chảy từ mái kính xuống sảnh và khu vực băng chuyền hành lý tại ga T3.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 12 - Xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga - có giá trị lớn nhất.
Trúng thầu là liên danh 6 nhà thầu, gồm: Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (CC1); Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng); Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; CTCP Đầu tư Xây dựng RICONS; Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.

Khu vực xảy ra nước chảy từ mái kính xuống sảnh tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tuấn Kiệt
Là đơn vị thi công chính gói thầu số 12, Hancorp từng trúng nhiều gói thầu lớn khác của ACV, như gói thầu số 11 (thi công móng cọc và tầng hầm nhà ga T3) và gói 5.6 (thi công cọc tại dự án sân bay Long Thành).
Ngoài hạ tầng hàng không, Hancorp cũng từng tham gia các công trình trọng điểm như trụ sở Bộ Công an, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhà hát Lớn Hà Nội...
Hai bộ vào cuộc xây dựng dữ liệu, áp dụng một giá đất, đánh thuế bất động sản
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính được giao xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn, tiến tới áp dụng một giá đất làm cơ sở thực hiện chính sách thuế bất động sản.
Chỉ đạo trên được nêu trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình thị trường bất động sản mới đây.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, NHNN nghiên cứu việc đánh thuế đối với đất hoang hóa, các dự án bất động sản, nhà ở chậm triển khai; tránh tình trạng đánh thuế chồng thuế.