Đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, sát sao chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, việc hợp nhất các Ban Chỉ đạo thành Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh đã tạo sự thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, gắn công tác CCHC với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái trao Bằng khen cho các địa phương có số lượng người tham gia dự thi nhiều nhất Cuộc thi Tìm hiểu về cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024
Theo Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh, trong năm 2024, công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức tuyên truyền về CCHC. Cụ thể, đã đăng tải nội dung bản tin CCHC của Chính phủ và các thông tin liên quan trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên hệ thống Chính phủ điện tử (eGov); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài) cũng như thông qua các buổi sinh hoạt đầu tuần. Đồng thời, duy trì các chuyên mục “đường dây nóng” tại địa chỉ: duong-daynong.lamdong.gov.vn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, hoạt động thông suốt 24/24h trong ngày và 7 ngày trong tuần để tiếp nhận thông tin người dân, doanh nghiệp phản ánh cũng như đăng tải kịp thời, đầy đủ thông tin phản hồi, phúc đáp của các cơ quan, địa phương.
Đã tổ chức 11 chương trình truyền hình trực tiếp “Đối thoại về CCHC” giữa người dân và lãnh đạo các sở, ban, ngành và 12 chương trình “Cải cách để nâng cao sự hài lòng của người dân” tại các địa phương trong tỉnh. Để thông tin, tuyên truyền CCHC và Chuyển đổi số được lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lợp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 8581/KH-UBND ngày 9/10/2024 về tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về CCHC và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2024”. Cuộc thi diễn ra trong 4 tuần (từ ngày 21/10-18/11/2024), kết quả Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích/tuần; 3 giải tập thể giành cho các địa phương có số người tham gia đông nhất. Sau khi cuộc thi kết thúc, đã có hơn 100 ngàn người dự thi và trên 153 ngàn lượt thi. Cuộc thi đã nhận được 205 bài dự thi để đánh giá, thẩm định nội dung và phạm vi ảnh hưởng, khả năng nhân rộng trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình hành động số 687/CTr-UBND ngày 23/1/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh và Công văn số 1095/UBND-TH3 ngày 16/2/2023 của UBND tỉnh về việc tổ chức tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng tháng. Tính đến thời điểm báo cáo, UBND tỉnh đã tổ chức 10 buổi tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngày 22/6/2024, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư do đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Qua đó, tiếp nhận và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giải quyết đối với 55 kiến nghị của 64 doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản số 5083/UBND-KH ngày 21/6/2024 về triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả nổi bật là việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, tính đến tháng 12/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng được Chính phủ giao 206 nhiệm vụ. Trong đó, 174 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng và trước hạn, 32 nhiệm vụ còn lại đang trong thời gian thực hiện; không có nhiệm vụ quá hạn. Công tác cải cách bộ máy, công vụ, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức công bố sáp nhập huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai; cũng như một số đơn vị hành chính cấp xã, đến nay, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn toàn tỉnh là 716 đơn vị, giảm 38 đơn vị so với năm 2021. Toàn tỉnh có 16 trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), gồm: IOC tỉnh Lâm Đồng, 5 IOC cấp sở và 10 IOC cấp huyện.
Đánh giá chung cho thấy, tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt tỷ lệ 98%. Về kết quả giải quyết TTHC: Năm 2024, tỉnh đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết đối với 10 TTHC thuộc các lĩnh vực. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đạt tỷ lệ 97,38%; UBND cấp huyện đạt 98,63%; và UBND cấp xã đạt 99,74%. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Lâm Đồng đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh quốc gia của Chính phủ trên 4 nhóm dữ liệu; đã số hóa 96,1% dữ liệu hộ tịch; 10/10 đơn vị cấp huyện số hóa dữ liệu đất đai; thu thập thông tin trên 71,28% dữ liệu người lao động, đã cập nhật 64,79% thông tin vào phần mềm trên hệ thống CSDLQG về dân cư…
Để công tác CCHC chuyển biến, đạt các chỉ số cao, năm 2025, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng số 14/NQ-TU ngày 15/5/2022 về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và số 12/NQ-TU ngày 15/5/2022 về chuyển đổi số Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Và thực hiện hiệu quả kế hoạch CCHC, kế hoạch tuyên truyền về CCHC năm 2025… trên địa bàn tỉnh.