Đẩy mạnh triển khai các mục tiêu chiến lược
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên cho biết, năm 2024 đánh dấu những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học tự nhiên với sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, các tiểu ban chuyên môn và UNESCO.
![Phố cổ Hội An lọt vào tốp di sản UNESCO.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51481480/1ace54d3669d8fc3d68c.jpg)
Phố cổ Hội An lọt vào tốp di sản UNESCO.
Đáng chú ý, các bên liên quan đã đạt được những tiến bộ đáng kể, từ việc thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sinh quyển, địa chất, đến việc triển khai hiệu quả các hoạt động tại các Trung tâm khoa học quốc tế dạng 2 được UNESCO bảo trợ; tiếp tục thực hiện Dự án đánh giá mức độ sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo (RAM), khẳng định vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành, năm 2025 sẽ là năm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mục tiêu chiến lược quan trọng, từ việc thúc đẩy các chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, cho đến việc áp dụng khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao… Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, việc mở hướng hoạt động cho hai Trung tâm khoa học quốc tế dạng 2 mạnh dạn đảm nhận một số nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia khác, nhất là các quốc gia đang phát triển, thể hiện vai trò chủ động, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cho biết tổng thể về hoạt động của Tiểu ban, Phó Vụ trưởng Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh, năm 2024, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên đã đạt được những kết quả nổi bật nhờ nỗ lực chung từ các cơ quan quản lý, các tiểu ban chuyên môn, các trung tâm…
Năm 2025, Tiểu ban sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và hải dương học, theo hình thức lồng ghép vào các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025; tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể, thông qua các đơn vị chuyên môn của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên; thí điểm một số nội dung của Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO tại Việt Nam thuộc lĩnh vực chuyên sâu như sở hữu trí tuệ, dữ liệu mở, truy cập mở, công nghệ mở...; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học mở thông qua hoạt động của hai trung tâm; lồng ghép nội dung về khoa học mở trong Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với UNESCO để bảo đảm triển khai hiệu quả các vấn đề mà Việt Nam chủ trì, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, sẵn sàng đưa vấn đề đạo đức trong AI vào thực tiễn; hỗ trợ các tiểu ban chuyên môn Việt Nam tăng cường hợp tác với các chương trình tương ứng của UNESCO trong giai đoạn 2021-2025; tăng cường hợp tác khu vực và thế giới trong mạng lưới các trung tâm dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ…
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia và ủng hộ nhiều sáng kiến quan trọng của UNESCO. Theo ông Jonathan Baker, năm 2025 nằm trong thập kỷ quốc tế về phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu trong các chương trình hành động này, UNESCO mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và các tiểu ban khác để có thể đẩy mạnh, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam, để Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong chương trình hành động về lĩnh vực này.
Góp ý về nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) kiến nghị, phía UNESCO cần hỗ trợ đóng góp ý kiến về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Mặt khác, đề nghị UNESCO hỗ trợ các địa phương đạt được danh hiệu phát triển bền vững; kiện toàn các tiểu ban chuyên môn; có kế hoạch đào tạo, chiến lược bài bản đưa chuyên gia Việt Nam tham dự các diễn đàn của UNESCO và ứng cử vào các cơ quan khoa học tự nhiên của UNESCO.