Đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão
Ngày 27/5, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn ban hành Công văn số 1856/SYT-NVYD gửi các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh về việc đẩy mạnh phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh mùa mưa bão theo công văn chỉ đạo hỏa tốc của Bộ Y tế.

Phun khử khuẩn quanh nhà dân tại xã Đồng Phúc (Ba Bể), sau mưa lũ.
Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 5 năm 2025 đến nay, dù chưa vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, nhưng đã xuất hiện nhiều cơn dông, lốc, sét, mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đây là yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh.
Để chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, trong đó lưu ý truyền thông theo nhóm nguy cơ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng phù hợp với từng địa phương.
Tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị trong việc cập nhật số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát viêm phổi nặng do vi-rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện để cung cấp kịp thời thông tin các ca bệnh truyền nhiễm, những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh; phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ sau các đợt mưa bão, ngập lụt.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, tránh tình trạng người bệnh không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.
Các trung tâm y tế huyện, thành phố rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, COVID-19.
Các trạm y tế phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay-chân-miệng tại nhà trẻ, trường mẫu giáo. Các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo cho trạm y tế để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời./.
Các biện pháp phòng, chống COVID-19
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch, nhưng không nên quá hoang mang. Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.