Đẩy mạnh ngoại giao logistics, xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do
Phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2024 vào sáng 02/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra 7 giải pháp phát triển ngành logistics, đồng thời là 7 đột phá để góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh về việc đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng
Diễn đàn logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics", được Bộ Công thương phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, logistics là ngành dịch vụ được ví như những "mạch máu" của nền kinh tế. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi. Trong những năm vừa qua, ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14% - 16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của ngành trong khu vực và thế giới. Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số hiệu quả Logistics.
Diễn đàn năm nay được tổ chức nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi và cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng. Bộ Công thương với vai trò đầu mối quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, diễn đàn là cơ hội để các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và tập đoàn logistics toàn cầu thảo luận, trao đổi, đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy việc thành lập các khu thương mại tự do trong thời gian tới để tạo động lực đột phá thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển. Theo ông Phạm Viết Thanh, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, Bà Rịa - Vũng Tàu chính là bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam Bộ.
Tham luận tại hội nghị, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics đã đề xuất nhiều nội dung, trong đó xây dựng chiến lược cho ngành, đặc biệt tập trung đổi mới sáng tạo về công nghệ và tự động hóa. Ông Đặng Vũ Thành cũng dành nhiều thời gian để nói về việc phát triển hạ tầng logistics, phát triển liên kết vùng nhằm phát huy hết hiệu quả của ngành.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về logistics
Tiếp theo phần tham luận, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương đưa ra các nhóm giải pháp để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao như chính sách pháp luật, thể chế; hoàn thiện, nâng cao năng lực hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; logistics xanh... Ngoài ra, một số giải pháp đột phá hội tụ những lợi thế cho ngành logistics như cảng trung chuyển, xây dựng đội tàu quốc gia, khu thương mại tự do và trung tâm logistics.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực mà Bộ Công thương đã làm được, tạo nên diện mạo mới cho ngành logistics Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai 3 mục tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mục tiêu giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%, nâng quy mô của logistics trong GDP của cả nước từ 10% lên 15%, phấn đấu đạt 20%; đồng thời, nâng quy mô ngành dịch vụ logistics của Việt Nam trong tổng quy mô của thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14 - 15% mỗi năm hiện nay, tăng lên 20%.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai 7 nhóm giải pháp. Trong đó, cần nâng cao nhận thức, vai trò của logistics trong phát triển kinh tế đất nước, xác định vai trò vị trí của Việt Nam là trung tâm của khu vực Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội; thể chế phải thông thoáng để giảm chi phí, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh. Phát triển hàng không, hàng hải, đường sắt tốc độ cao; phải xây dựng quản trị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa nội địa; xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông, kết nối với những khu thương mại tự do của thế giới, kết nối với hệ thống giao thông quốc tế.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhiều trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao gắn với các khu thương mại tự do. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu phải đi đầu trong quá trình này, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.