Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng đối ngoại để quân đội vững mạnh
'Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng, góp phần xây dụng, củng cố lòng tin, tăng cường quan hệ hợp tác, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước'.
Tại Hội thảo khoa học "80 năm xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vững mạnh về chính trị - Thành tựu và kinh nghiệm" tổ chức ngày 27/11 ở Hà Nội, Đại tá Đặng Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã có tham luận nhan đề: "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng đối ngoại quốc phòng trong xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới". VOV xin lược trích những nội dung chính của bài viết này:
Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đối với công tác xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt hơn, xu hướng các nước lớn lôi kéo, tập hợp lực lượng được đẩy mạnh với nhiều chuyển biến linh hoạt, phức tạp, đặt các nước vừa và nhỏ vào tình thế khó ứng xử. Các cuộc chiến tranh, xung đột, các điểm nóng trên thế giới tiếp tục diễn biến căng thẳng. Các thể chế đa phương, luật pháp quốc tế vẫn được các quốc gia coi trọng, song đứng trước nhiều thách thức hơn từ chính trị cường quyền, cạnh tranh chiến lược nước lớn. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đều gia tăng, tác động đan xen. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, duy trì đà tăng trưởng tích cực, đồng thời tiếp tục là địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, leo thang căng thẳng.
Trong bối cảnh trên, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng, góp phần xây dụng, củng cố lòng tin, tăng cường quan hệ hợp tác, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Do đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và mở rộng đối ngoại quốc phòng là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, góp phần đảm bảo mục tiêu xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quán triệt và triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, những năm qua, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ với nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được kết quả toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần củng cố, phát triển quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh; thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng; nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của đất nước nói chung, QĐND Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã không ngừng phát triển, cả về chiều rộng và chiều sâu. Đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam có quan hệ quốc phòng với trên 100 đối tác, trong đó đẩy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 3 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Tổ chức Thủy văn Quốc tế). Các hoạt động hợp tác được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: Trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo, thương mại quân sự và công nghiệp quốc phòng, chia sẻ thông tin, quan điểm, chính sách quốc phòng, hợp tác hải quân, không quân, lục quân, khắc phục hậu quả chiến tranh,..
Nhiều văn bản quan trọng về hợp tác quốc phòng với các đối tác đã được ký kết và triển khai thực hiện hiệu quả như các Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, nghị định thư, chương trình, kế hoạch hợp tác 3 năm, 5 năm. Các văn bản trên đã làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả, thực chất trong các lĩnh vực hợp tác.
Bên cạnh đó, đã có nhiều sự sáng tạo trong việc triển khai công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, chủ động đề xuất các hoạt động, cơ chế hợp tác mới, đạt kết quả tích cực. Tiêu biểu là các điểm sáng như: (1) Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia thắm tình hữu nghị, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển; (2) Triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở nước ngoài, thể hiện những đóng góp quên mình và những hành động vô cùng cao đẹp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam; (3) Tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 trọng thị, thành công, góp phần tăng cường vị thế, uy tín của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế; hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.
Cùng với song phương, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đa phương cũng liên tục phát triển. Bộ Quốc phòng Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào các cơ chế diễn đàn hợp tác quân sự, quốc phòng khu vực và toàn cầu, đặc biệt là tại các hội nghị quốc phòng, quân sự trong khuôn khổ ASEAN như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ASEAN Mở rộng (ADMM+), Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM), Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM); các diễn đàn đa phương quốc tế quan trọng như Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh... Sự tham gia của ta trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng đạt những dấu ấn lớn.
Trong 10 năm qua, ban đầu ta chỉ triển khai 2 cán bộ, thì đến nay, Việt Nam đã triển khai gần 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên Hợp Quốc, đã triển khai 6 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, 3 thê đội Công binh.
Với các kết quả trên, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đa phương đã góp phần thể hiện rõ hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.