Không có chuyện 'đu dây'
Sau hàng loạt sự kiện đối ngoại thành công gần đây, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, mở rộng. Công tác đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam đã đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng, trở thành điểm sáng nổi bật; tạo bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trước thành công đó của Việt Nam, một số cá nhân, tổ chức phản động, các thế lực thù địch bày tỏ sự tức tối và càng ra sức chống phá. Chúng lợi dụng internet, thông qua các trang mạng xã hội, một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt để xuyên tạc, phủ nhận thành quả đường lối đối ngoại của Việt Nam; trắng trợn bịa đặt rằng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”; nền ngoại giao của Việt Nam "cục bộ", “chọn bên”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc.
Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đưa ra lập luận rằng, để “dân chủ” hơn nữa, Việt Nam cần bỏ chính sách quốc phòng “4 không”. Luận điệu xuyên tạc trên vô cùng nguy hại khi nó làm cho số ít người không có thông tin đầy đủ về tình hình Việt Nam thời gian gần đây hoang mang, dao động; thậm chí có thể gây chia rẽ, hiểu sai lệch về quan hệ Việt Nam với các nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đưa ra lập luận rõ ràng để phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí làm rõ sự sai trái trong các khái niệm “đu dây”; "ngoại giao cục bộ", “chọn bên”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc... mà các thế lực thù địch xuyên tạc về chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Thứ nhất, không biết họ nói những khái niệm đó là gì, nhưng với những nước nhỏ mà không dựa trên lợi ích quốc gia, không dựa trên những đan xen hai bên cùng có lợi, không dựa trên luật pháp quốc tế thì “đu dây" là cực kỳ nguy hiểm. Đu dây theo tôi hiểu, tức là anh đu bên này một tí, anh đu bên kia một tí và anh rất dễ rơi vào thế kẹt giữa sự cạnh tranh của các nước lớn. Việt Nam không phải kiểu đó. Quan điểm rõ ràng của Việt Nam là: Tôi có lợi ích khi hợp tác với anh, anh có lợi ích khi hợp tác với tôi và nếu các bên song trùng lợi ích thì nhân cái hợp tác đó lên.
Thứ hai, tôi chơi với anh A, tôi cũng chơi với anh B trên nguyên tắc chung, khi có khác biệt thì phải giải quyết bằng đối thoại trên tinh thần các bên tôn trọng lợi ích của nhau. Tôi không đi với bên này để chống bên kia. Ví dụ, tôi quan hệ với Trung Quốc là vì lợi ích của tôi, của Trung Quốc và của chung hai bên. Tôi quan hệ với Mỹ cũng vậy, cũng vì lợi ích của Mỹ, lợi ích của Việt Nam, hai bên phải đan xen lợi ích thì mới thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Đu dây" là gió chiều nào theo chiều ấy, thiên bên này một tí, thiên bên kia một tí. Việt Nam không có quan điểm như vậy. Trong nhiều năm làm công tác ngoại giao, tôi đôi khi được các bạn quốc tế nhắc rằng, Việt Nam đôi lúc còn "hơi cứng" trong quan hệ, một số trường hợp còn chưa uyển chuyển. Nguyên nhân là vì chúng ta giữ vững nguyên tắc trong thảo luận một số vấn đề thì có động chạm đến lợi ích quốc gia; nguyên tắc của luật pháp quốc tế hay vấn đề về thể chế chính trị.
Phải mất 10 năm cân nhắc để nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, trong khi đó, ngay từ khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, thế thì "đu dây" ở chỗ nào? Trong những lần trả lời phỏng vấn trước đây, cá nhân tôi không thích sử dụng khái niệm cân bằng quan hệ với các nước lớn. Không phải là vấn đề cân bằng, mà là tôi quan hệ với tất cả nước lớn, dựa trên lợi ích quốc gia, hai bên cùng có lợi và tất nhiên phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Còn nếu hiểu cân bằng theo cách hiểu cơ học, là nếu tôi đi 50 với nước này, thì tôi phải đi 50 với nước kia là không đúng. Lợi ích quốc gia sẽ quyết định không gian hợp tác giữa hai nước. Ví dụ Việt Nam quan hệ với Pháp, chúng ta thấy tiềm năng địa chính trị của Pháp ở châu Âu; còn với Trung Quốc, ngoài quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống thì Trung Quốc là nền kinh tế lớn, với thế mạnh về chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu, hạ tầng... Trong khi đó, với Mỹ thì chắc chắn là khoa học-công nghệ. Mỗi nước có thế mạnh riêng, làm sao có thể xuất sang nước này 50% thì cũng xuất sang nước kia 50% theo cách hiểu thô thiển là cân bằng được.
Và như vậy, câu chuyện "đu dây" hay cân bằng nước lớn, nếu cứng nhắc những nguyên tắc cố định theo kiểu cơ học như vậy sẽ không phản ánh đúng sự độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
PV: Như vậy có thể hiểu, ngoại giao với các nước lớn cần có tầm nhìn và chiến lược?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Về đối ngoại hay ngoại giao, có hai thành tố quan trọng: Tầm nhìn chiến lược và thủ thuật. Tầm nhìn chiến lược là gì? Nói đại thể, tại sao từ những năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy phải thiết lập quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ. Đấy là tầm nhìn chiến lược. Còn chỉ để nhằm ứng xử với những cạnh tranh quyết liệt của các nước lớn thì đó là một phần thủ thuật thôi.
PV: Nếu các nước lớn, các đối tác đặt điều kiện thì mới hợp tác, chúng ta phải làm gì?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Trong quan hệ quốc tế, những câu chuyện đặt điều kiện là chuyện thường xuyên. Bởi vì hai bên có lợi ích song trùng và cả những lợi ích không song trùng.
Ví dụ, việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những điều khoản có thể chưa thực sự phù hợp, nhưng mình phải chấp nhận khi đạt được lợi ích chung lớn hơn. Đấy là khi điểm cộng có tổng bằng dương cho lợi ích quốc gia, không gây hại và không ảnh hưởng tới vấn đề cốt lõi thì phải tiến hành chứ.
Cho nên, trong quan hệ với các nước, luôn tồn tại câu chuyện khác biệt, nhưng vẫn có song trùng, chúng ta phải có cách tiếp cận để giữ được cái cốt lõi của mình nhưng vẫn tranh thủ được thuận lợi từ đối tác.
PV: Trong gần 40 năm đất nước đổi mới, ấn tượng của đồng chí với công tác ngoại giao là điều gì?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Điều tôi ấn tượng nhất có lẽ là chúng ta tham gia vào môi trường quốc tế một cách tự tin, chúng ta đã vững mạnh hơn rất nhiều. Ngoại giao vừa đóng góp hiệu quả vào việc phát triển đất nước, đồng thời vừa tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho hòa bình và phát triển. Vị thế Việt Nam đã lên rất nhiều.
Có những lúc, có những thời điểm ngoại giao tạo ra động lực mới, thậm chí là dẫn dắt. Ví dụ, việc “phá vây” ngoại giao thành công đã tạo được không gian để phát triển. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã “phá vây” thành công. Năm 1991 là Hiệp định Paris về Campuchia; chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Năm 1994-1995 là giai đoạn vào ASEAN, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Có thể khẳng định, khi được sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, đã tạo ra bước đột phá.
Như vậy, ngoại giao có vai trò định hướng hội nhập và mang tính dẫn dắt. Có thể lấy ví dụ thời điểm dịch Covid-19 mấy năm vừa rồi. Đó là thời gian khó khăn về dịch bệnh, kinh tế thế giới đứng trước bờ vực suy thoái, cạnh tranh nước lớn quyết liệt, nhiều nước không dám quan hệ với xung quanh. Chính thời điểm khó khăn này lại là những năm đối ngoại Việt Nam đột phá. Tôi nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà tất cả nước lớn và những nước quan trọng nhất lại cung cấp cho Việt Nam lượng vaccine lớn như vậy để phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh đầy cạnh tranh, Việt Nam vẫn sử dụng tốt ưu thế, vị thế của mình, đan xen lợi ích với các đối tác, từ đó thiết lập và nâng cấp quan hệ với những nước mà thậm chí giữa họ đang cạnh tranh với nhau. Ví dụ cụ thể chính là việc giữ được quan hệ tốt đẹp với các nước lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc; tranh thủ được nguồn lực từ các nước này, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm, đường lối đối ngoại của mình, tạo sự ổn định và môi trường thuận lợi nhất cho phát triển.
Không chỉ với các nước lớn, hiện Việt Nam đang có quan hệ tốt với tất cả những trung tâm quan trọng của thế giới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mô hình sang phát triển xanh, bền vững, dựa trên đổi mới và sáng tạo. Đối ngoại thể hiện vai trò mở đường, đưa khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao của thế giới về cho đất nước.
PV:Làm tốt công tác đối ngoại chính là góp phần tạo ra sức mạnh mềm. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh mới, đồng chí có thể lý giải sâu hơn về điều này?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Bây giờ Việt Nam đã có sức mạnh mềm và chúng ta phải biết cách nhân lên sức mạnh mềm thì mới tạo ra sức hấp dẫn của chính chúng ta. Không phải chỉ là vấn đề vị thế chung chung, sức mạnh mềm còn có thể tạo ra cơm áo, tiền bạc.
Lấy ví dụ, nếu các khâu liên quan đến thủ tục, thể chế bị trì trệ, chắc chắn các dự án lớn, tập đoàn lớn, nhỏ của các quốc gia sẽ không hài lòng và ta sẽ mất cơ hội. Vì thế, chúng ta phải khắc phục ngay, có môi trường thông thoáng, hạ tầng tốt, con người có trình độ cao, được những người làm công tác ngoại giao quảng bá tốt, nhất định các nhà đầu tư chất lượng cao sẽ tới đầu tư.
PV: Để có thể phản bác kịp thời quan điểm sai trái của các thế lực phản động, là người kinh qua nhiều vị trí công tác trong ngành ngoại giao, đồng chí chia sẻ kinh nghiệm gì với thế hệ cán bộ trẻ?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Trước hết, phải xác định rất rõ thông tin mà các thế lực thù địch xuyên tạc. Đánh giá đúng các nguy cơ, thường xuyên cảnh giác, làm rõ những vấn đề có tính nguyên tắc, từ đó có biện pháp ngăn chặn.
Lấy ví dụ, trước đây lo ngại quá trình hội nhập có thể bị hòa tan, nhưng thực tế gần 40 năm đổi mới chứng minh chúng ta tham gia và hội nhập với thế giới mà chúng ta vẫn đứng vững. Chúng ta được lợi rất nhiều, thậm chí là vững hơn, nhận thức tốt hơn.
Thế giới đang chuyển động rất sâu sắc, có cả thuận lợi và tạo động lực nếu chúng ta bắt kịp thì sẽ vươn lên, mà không bắt kịp thì tụt hậu càng xa. Ngoại giao cũng phải thích ứng để đủ sức nhân lên vị thế của Việt Nam. Ngoại giao bây giờ phải biết đặt câu hỏi điều gì tốt cho sự phát triển của đất nước. Nhà ngoại giao cũng phải hiểu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh... cái gì thì tốt cho Việt Nam, liệu có bị lệ thuộc không.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN HÒA (thực hiện)