Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Chiều 16/2, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Yêu cầu trên là quyết tâm, mục tiêu hành động của UBND TP Hà Nội trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Theo đó, TP Hà Nội đã tiên phong trong việc hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06) thành một ban chỉ đạo duy nhất do đồng chí Chủ tịch UBND TP trực tiếp làm trưởng ban và triển khai mô hình này ở tất cả các cấp, đồng thời tổ chức, triển khai hoạt động của 5.034 tổ chuyển đổi số cộng đồng (với hơn 30.000 thành viên tại cơ sở), giúp cho việc chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được tập trung, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả hơn.

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở.

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở.

TP Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các hệ thống nền tảng quan trọng trong công tác quản lý như xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp, triển khai phòng họp thông minh không giấy tờ (iCabinet) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố.

UBND TP Hà Nội tiên phong trong việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công với phương châm hoạt động “hành chính thông minh – tận tâm phục vụ”, hướng tới “3 phi” đó là “phi địa giới hành chính- phi trung gian- phi vật chất”. Tháng 11/2024, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã xây dựng Đề án và thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố. Đây là bước đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.

Thành phố đã nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến với gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; ứng dụng Chatbot hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính; triển khai mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính; triển khai sắp xếp lại mạng lưới bộ phận một cửa tại 30 quận, huyện để thực hiện theo mô hình phi địa giới hành chính giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính ở bất cứ nơi đâu; áp dụng KPI đánh giá năng suất, tiến độ và hiệu quả của các chi nhánh, sở ban ngành và đơn vị hành chính cấp quận, huyện, xã, phường trong giải quyết thủ tục hành chính với dữ liệu được cập nhật tự động, theo thời gian thực.

Tiếp tục triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền gắn với tái cấu trúc các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố, trong đó đã thực hiện phân cấp, ủy quyền gần 600 thủ tục hành chính; tập trung tái cấu trúc 150 thủ tục hành chính thiết yếu, phát sinh nhiều hồ sơ, nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; ứng dụng AI để tự động hóa các quy trình hành chính.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng số để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu chính thành phố trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây hiện đại với hơn 300 hệ thống ứng dụng của thành phố được di trú và bảo đảm an toàn thông tin; kết nối với 14 hệ thống thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; số lượt kết nối là khoảng 2 triệu - 2,5 triệu lượt kết nối/tháng.

Từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06, Hà Nội và nhiều địa phương đã phát triển các ứng dụng công dân số phục vụ kinh tế - xã hội.

Từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06, Hà Nội và nhiều địa phương đã phát triển các ứng dụng công dân số phục vụ kinh tế - xã hội.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, UBND TP Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu, đạt được rất nhiều kết quả, là hình mẫu khi triển khai Đề án 06, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06, UBND TP Hà Nội đã chủ động phát triển các mô hình và đăng ký với Trung ương và tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điển hình như, triển khai thành công mô hình Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố áp dụng că cước để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hà Nội cũng triển khai các ứng dụng để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Đưa vào hoạt động ứng dụng thẻ vé giao thông Hà Nội đối với vận tải hành khách công cộng; triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt, trông giữ xe không dùng tiền mặt tại các bến xe tĩnh và kết nối, hoàn thiện Đề án Giao thông thông minh của thành phố. Hà Nội cũng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thực hiện thu thuế điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác hỗ trợ người nộp thuế. Thống kê, năm 2024 thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt gần 40.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Các đơn vị của TP Hà Nội, trong đó chủ công là Công an TP Hà Nội đã triển khai các ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố. Việc này đã và đang giúp cho công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy đạt hiệu quả. Công an cấp cơ sở cũng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong tuyên truyền, cảnh báo phòng cháy chữa cháy, ý thức người dân về nhiệm vụ này được nâng cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai học bạ số cấp tiểu học trong lĩnh vực giáo dục cũng như phát triển ứng dụng công dân Thủ đô số (iHaNoi), nơi người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/day-manh-chuyen-doi-so-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-i759285/
Zalo