Chặng cuối nhiều kỳ vọng
Chiều 15/5, tại TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Nhà xuất bản CAND (Cục Truyền thông CAND) - đơn vị thường trực cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' lần thứ V (giai đoạn 2022-2025) đã tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học lần 3 trong khuôn khổ cuộc thi.
Có 35 nhà văn, tác giả trong và ngoài lực lượng Công an đến từ cả 3 miền đất nước, trong đó có những cây bút đã trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước như Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Phạm Thanh Khương, Đinh Quang Tốn, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Đào Trung Hiếu, Lê Thị Bích Hồng, Lê Duy Nghĩa, Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Thanh Lịch, Khánh Ly... Đa phần các nhà văn đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, có một số nhà văn đến từ TP Hồ Chí Minh như Tống Phước Bảo, Nông Huyền Sơn, Phạm Nghị, Xuân Lan.

Các nhà văn, tác giả tham dự trại sáng tác văn học tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 15 đến 25/5/2025.
Ngoài ra, còn có tác giả đến từ các địa phương khác như: Đoàn Minh Ngọc và Hữu Tiến (Cao Bằng), Tống Ngọc Hân và Đỗ Xuân Thu (Phú Thọ), Trần Nguyên Mỹ (Sơn La), Đặng Thùy Tiên (Lai Châu), Bùi Thị Như Lan (Quảng Ninh), Trịnh Tuyên (Thanh Hóa), Đàm Quỳnh Ngọc và Nguyễn Tô Giang (Nghệ An), Trần Tú Ngọc (Hà Tĩnh), Đỗ Văn Quốc (Đà Nẵng), Lê Thị Kim Sơn (Gia Lai), Nguyễn Đình Hậu (Kiên Giang).
Trong cuộc thi lần này, từ kinh nghiệm đã 4 lần tổ chức thành công, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cuộc thi tiếp tục gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Với vai trò là đơn vị thường trực cuộc thi, Nhà xuất bản CAND đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn tham gia sáng tác với 2 trại sáng tác đã được tổ chức thành công tại Quảng Ninh (tháng 4/2023) và Bà Rịa-Vũng Tàu (tháng 4/2024).
Trại viết lần thứ 3 được tổ chức tại Ninh Bình lần này tiếp tục tạo ra môi trường sáng tác chuyên nghiệp để các nhà văn, các tác giả sáng tạo nên những trang văn về hình tượng người chiến sĩ CAND trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc và sự bình yên cuộc sống của nhân dân.
Phát biểu tại lễ khai mạc trại sáng tác Ninh Bình, Đại tá Trần Cao Kiều - Giám đốc Nhà xuất bản CAND bày tỏ: "Đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" không chỉ là câu chuyện của lực lượng CAND, mà còn là câu chuyện của toàn dân, của những con người bình dị đang ngày đêm góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh. Chúng tôi tin tưởng rằng, qua ngòi bút tài hoa và tâm huyết của các nhà văn, hình tượng người chiến sĩ CAND sẽ được khắc họa một cách sâu sắc, chân thực, đồng thời các tác phẩm sẽ truyền tải thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ an ninh, trật tự".
Với vai trò là đơn vị thường trực cuộc thi, Nhà xuất bản CAND cam kết đồng hành với các nhà văn trong điều kiện tốt nhất có thể, phối hợp cùng Công an tỉnh Ninh Bình tổ chức cho các nhà văn được tiếp xúc thực tế với một số đơn vị của Công an tỉnh, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, những cá nhân điển hình với nhiều chiến công trong quá trình công tác..., để các nhà văn có thêm chất liệu sống động phục vụ cho công việc sáng tác.
Có thể nói, cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ V đang đi nốt chặng đường cuối với nhiều kỳ vọng. Với khoảng 80 tác phẩm, ban tổ chức đã thu được trong 2 năm qua và những tác phẩm sẽ nhận được qua trại sáng tác lần thứ 3 này, các nhà văn, các tác giả dự thi sẽ tiếp tục góp phần phản ánh đậm nét về cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội như: "Mệnh kim tiền" của Phạm Thanh Khương, "Ngày mai trời lại sáng" của Trần Khánh Toàn, "Người lạ cùng huyết thống" của Tống Ngọc Hân, "Vòng xoáy quyền lực" của Bùi Thị Như Lan, "Vùng biên ải" của Hữu Tiến, "Bóng người trong đêm" của Nguyễn Thị Khánh Ly...
Bên cạnh đó, ban tổ chức cuộc thi đặc biệt khuyến khích các tác giả viết về những vấn đề mới đặt ra trong tình hình hiện nay và những vấn đề nóng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống như: vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm môi trường...
Nhà văn Phạm Thanh Khương:

"Đến dự trại sáng tác lần này, tôi tham dự với cuốn tiểu thuyết "Mệnh kim tiền" dựa trên câu chuyện có thật về vụ án buôn lậu, rửa tiền, vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử trong những năm qua.
Đối với tôi, mỗi dịp Nhà xuất bản CAND tổ chức trại sáng tác văn học là một lần mở ra cơ hội để các nhà văn được tiếp xúc với "vùng đất tiềm năng" và "khai thác tài nguyên" về mảng đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Là điều kiện để các nhà văn, các cây viết đưa hình ảnh cán bộ, chiến sĩ CAND đến với nhân dân, đi vào cuộc sống. Xã hội phát triển, đời sống càng nâng cao, tính chất phức tạp của các loại tội phạm càng trở nên đa dạng, tinh vi và xảo quyệt. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, bền vững càng đòi hỏi chất lượng về con người, chất lượng của lực lượng CAND càng cao.
Thông qua trại sáng tác, không chỉ giản đơn là công tác tuyên truyền, mà còn để các nhà văn hiểu hơn về cuộc sống, về con người, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và công việc của họ hiện nay. Các nhà văn dự trại luôn được ban tổ chức là Nhà xuất bản CAND đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, trọng thị, ấm áp tình người với nhiều hoạt động giao lưu, tham quan các đơn vị nghiệp vụ, lắng nghe chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ, của những người trực tiếp "đánh" án để tìm hiểu, khai thác tư liệu, giúp cảm hứng sáng tác được thăng hoa...".
Nhà văn Tống Ngọc Hân:

"Đối với lực lượng Công an thì dù chúng ta có đọc nhiều tài liệu về họ, đối diện với họ và quan sát họ từ rất nhiều góc độ, nhưng có rất nhiều nghiệp vụ mà chỉ có được học hành, đào tạo trong nhà trường và trải qua những kinh nghiệm từ cuộc sống, chiến đấu, công tác thì mới hun đúc nên được. Đó là cái khó khăn của những người viết "tay ngang" như chúng tôi. Nhưng, tôi tin rằng, tôi có thể đứng ở một góc độ nào đó để quan sát, để tái hiện lại cuộc sống, chiến đấu cũng như đời sống riêng tư của những người chiến sĩ, để có được những tác phẩm đi sát với thực tế, góp phần lan tỏa những giá trị cống hiến của người chiến sĩ CAND một cách chân thực, gần gũi hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, tội phạm ngày càng trở nên tinh vi, nham hiểm hơn, được ngụy trang kỹ càng hơn, các nhà văn cũng phải bám sát với đời sống thực tế. Vì thế, tôi nâng niu, trân quý và tìm mọi cách sắp xếp công việc, cuộc sống để đến được trại sáng tác do Nhà xuất bản CAND tổ chức. Tôi cho rằng, đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" rất có ý nghĩa đối với người cầm bút, được độc giả yêu thích nhưng phải viết như thế nào để đáp ứng những kỳ vọng ấy phụ thuộc vào mỗi nhà văn. Tôi cũng có niềm tin rằng: Sự bình yên chính là vẻ đẹp rực rỡ nhất của cuộc sống...".