Đây là lý do Thái Lan 'nghiễm nghệ' trong top đầu bảng xếp hạng về Halal
Tại sao Thái Lan, quốc gia có đa số dân theo đạo Phật, lại nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu sản phẩm Halal hàng đầu thế giới?
Thái Lan hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm Halal lớn thứ 8 trên toàn thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,24 tỷ USD vào năm 2023 và hơn 180.000 sản phẩm được chứng nhận Halal vào năm 2024.
Vị thế dẫn đầu
Phó Giáo sư Pakorn Priyakorn, Giám đốc Viện Tiêu chuẩn Halal Thái Lan đưa ra thông tin trên tại một cuộc tọa đàm hồi đầu tháng trong khuôn khổ Diễn đàn Halal toàn cầu với chủ đề “Triển vọng về sự phát triển của ngành công nghiệp Halal toàn cầu: Cơ hội và thách thức, trường hợp của từng quốc gia” tại Triển lãm World HAPEX Thái Lan lần thứ 13 ở thành phố Hat Yai.
Ông Priyakorn chỉ ra rằng, Thái Lan đã phát triển thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thực phẩm Halal kể từ năm 2001.
Trả lời Ahram Online, ông Sorawud Preededilok (Cơ quan Hợp tác quốc tế Thái Lan, TICA) cho hay, “việc lọt vào top 10 nước xuất khẩu sản phẩm Halal hàng đầu thế giới chứng tỏ Thái Lan coi trọng ngành thực phẩm Halal”.
Về lý do khiến Thái Lan tập trung vào ngành công nghiệp đang nổi lên này, ông Preededilok giải thích, xuất khẩu sản phẩm nội địa ra toàn thế giới là một trong những mục tiêu quan trọng của đất nước nụ cười.
“Điều thúc đẩy Thái Lan coi trọng ngành công nghiệp Halal là người Hồi giáo chiếm đa số thứ hai trong dân số, chỉ sau Phật giáo”, ông nói, hàm ý mức tiêu dùng trong nước của cộng đồng Hồi giáo vốn chiếm gần 6% tổng dân số Thái Lan.
Bên cạnh đó, động lực còn nằm ở du lịch Halal. Theo báo cáo Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI) 2024 của Mastercard-CrescentRating, không tính các điểm đến của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) thì Thái Lan xếp thứ 5 trong số những điểm đến hàng đầu dành cho du khách Hồi giáo trên toàn thế giới.
Báo cáo nêu rõ, thành tựu này minh chứng cho cam kết của Thái Lan trong việc cải thiện trải nghiệm du lịch của khách du lịch Hồi giáo bằng cách tăng các lựa chọn và tính khả dụng của thực phẩm Halal, đồng thời kết hợp các tiện nghi thân thiện với người Hồi giáo như không gian cầu nguyện vào các điểm tham quan du lịch.
Thương hiệu toàn cầu
Với mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm hàng đầu về chăm sóc sức khỏe và du lịch Halal trong khu vực ASEAN, Triển lãm World HAPEX Thái Lan đã quy tụ các tên tuổi trong ngành du lịch, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, chứng nhận, quản trị và lập pháp.
Sự kiện toàn cầu thường niên năm nay được tổ chức tại miền Nam Thái Lan với chủ đề “Du lịch, khách sạn và chăm sóc sức khỏe Halal”, là hội nghị và triển lãm quốc tế dành riêng cho các sản phẩm Halal.
Theo ông Asman Taeali, Giám đốc Viện Halal của Đại học Prince of Songkla - đơn vị tổ chức Diễn đàn Halal toàn cầu phối hợp với Bộ Ngoại giao Thái Lan, World HAPEX và Diễn đàn Halal toàn cầu hướng tới phát triển sự hợp tác giữa các quốc gia trong ngành công nghiệp Halal.
Mục đích của tọa đàm là “trở thành nền tảng trao đổi thông tin và chuyên môn giữa các quốc gia, đảm bảo không bên nào hoạt động riêng lẻ”, ông Taeali chia sẻ với Ahram Online.
Sự kiện năm nay tập trung vào nhiều khía cạnh khác nhau của dịch vụ du lịch và chăm sóc sức khỏe vì "khách du lịch Hồi giáo ưu tiên thực phẩm Halal và thích phòng khách sạn được trang bị thảm cầu nguyện và đèn chỉ hướng Qibla", đôi khi “tìm đến các phòng tập thể dục có tiện nghi riêng cho nam và nữ”.
Trên thực tế, Viện Halal đóng vai trò trong việc phát triển đội ngũ cán bộ và nhân sự trong ngành Halal Thái Lan để sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal.
“Chúng tôi cũng đã thiết lập chương trình giảng dạy chuyên biệt về quản lý hậu cần Halal để hoàn thiện chuỗi cung ứng, bên cạnh việc đào tạo nhân sự cho ngành du lịch Halal và dịch vụ chăm sóc sức khỏe Halal”, ông Taeali chia sẻ.
Theo Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan, khoảng 64.000 công ty Thái Lan có sản phẩm đạt chứng nhận Halal.
Bảo vệ người tiêu dùng
Cùng với Viện Halal thuộc Đại học Prince of Songkla ở Hat Yai, Thái Lan có nhiều tổ chức tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp Halal.
Trong đó, không thể không nhắc đến Trung tâm Khoa học Halal tại Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok. Cơ sở này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tình trạng Halal của các sản phẩm thông qua phân tích khoa học nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức thông qua các sáng kiến giáo dục.
Bà Sulida Wangchi, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Khoa học Halal nhấn mạnh, Trung tâm hoạt động như một đơn vị hỗ trợ chính cho chứng nhận Halal tại Thái Lan để bảo vệ người tiêu dùng trong nước và trên toàn cầu.
Trung tâm phân tích các sản phẩm Halal từ 4 nguồn thông qua phòng thí nghiệm pháp y. Theo quy trình, Trung tâm làm việc với các nhà sản xuất gửi sản phẩm của họ để thử nghiệm nhằm phát hiện khả năng nhiễm bẩn và Ủy ban Hồi giáo xem xét các sản phẩm để chứng nhận Halal. Nếu Ủy ban có bất kỳ lo ngại nào về tình trạng Halal của sản phẩm, bà Wangchi cho hay, "Trung tâm sẽ can thiệp để hỗ trợ thông qua chuyên môn khoa học của mình”.
Ngoài ra, các nhân viên của Trung tâm tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên bằng cách thu thập mẫu từ các chợ và siêu thị để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn Halal. Trong một số trường hợp, Trung tâm nhận sản phẩm từ các nguồn quốc tế ở nước ngoài để xác nhận tình trạng Halal trước khi đưa ra thị trường.
Trung tâm còn góp phần nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn Halal. “Chúng tôi tiến hành giảng bài và tiếp đón nhiều du khách từ các tổ chức Hồi giáo, trường học, cả từ Thái Lan và nước ngoài, để thông tin về mọi khía cạnh của Halal”, bà Wangchi cho biết.
***
Với hơn 160.000 sản phẩm được chứng nhận Halal, Thái Lan đặt mục tiêu định vị mình là trung tâm Halal khu vực trong 4 năm tới, tận dụng lợi thế gần các quốc gia Đông Nam Á có đa số dân theo đạo Hồi cũng như tăng xuất khẩu thực phẩm sang Trung Đông.
Đầu năm 2024, chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban Công nghiệp Halal quốc gia để dẫn dắt ngành thực phẩm Halal và Trung tâm Công nghiệp Halal Thái Lan để quảng bá thực phẩm địa phương ra quốc tế. Với hệ sinh thái ngành công nghiệp thực phẩm Halal, du lịch Hồi giáo phát triển, quốc gia Đông Nam Á này đang sẵn sàng trở thành một thế lực lớn trên thị trường Halal toàn cầu.
Chính phủ Thái Lan đã thông qua Kế hoạch đưa Thái Lan trở thành trung tâm Halal hàng đầu tại Đông Nam Á vào năm 2028, góp phần làm tăng GDP quốc gia lên 1,2%, tạo ra khoảng 100.000 việc làm hằng năm. Chiến lược tập trung vào 5 loại sản phẩm (thực phẩm; thời trang; dược phẩm và sản phẩm thảo dược; cacao; dịch vụ và du lịch) với 3 biện pháp chính (tạo ra nhu cầu, hỗ trợ cung ứng và nâng cao tiêu chuẩn môi trường).