Cần 'luật hóa' dữ liệu là tài sản cá nhân

Tình trạng người dùng viễn thông nhận được những cuộc điện thoại từ số lạ để quảng cáo dịch vụ, sản phẩm… đã không còn xa lạ. Nguyên nhân chính được cho là bắt nguồn từ việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên quy mô lớn.

Theo số liệu được Bộ Công an công bố, 2/3 trong số gần 80 triệu người dùng internet tại Việt Nam đã và đang bị thu thập dữ liệu cá nhân. Lực lượng chức năng cũng đã khởi tố nhiều vụ án hình sự với hàng nghìn GB dữ liệu và hàng tỷ thông tin cá nhân bị mua bán. Tuy nhiên tình trạng này vẫn không suy giảm vì chỉ trong 6 tháng năm 2024 đã ghi nhận 46 vụ lộ, lọt dữ liệu với hơn 61 triệu thông tin cá nhân, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2023.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân như ý thức tự bảo vệ thông tin của người dùng chưa cao, các thương hiệu muốn có dữ liệu để quảng bá sản phẩm, các hệ thống thu thập dữ liệu khách hàng bị xâm nhập… Tuy nhiên nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được “luật hóa” kín kẽ, thiếu các văn bản quy phạm về quy trình bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như biện pháp xử lý nếu xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin dạng này.

Chắc chắn tình trạng xâm nhập dữ liệu cá nhân đã vô cùng nghiêm trọng nên tại phiên thảo luận về dự án Luật Dữ liệu của Quốc hội, nhiều đại biểu bức xúc về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, đã tới lúc Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng dữ liệu nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng. Đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với việc bảo mật dữ liệu người dùng từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thu thập thông tin.

Người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định, cần bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất của cá nhân. Với tốc độ phát triển và phổ biến của internet nhanh như hiện nay, lượng dữ liệu cá nhân được lưu trữ và xử lý ngày càng lớn. Đi kèm là nguy cơ lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân. Do đó các chế tài về pháp luật cũng cần được tăng cường nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng.

Việt Nam hiện có 69 luật quy định về cơ sở dữ liệu, tuy nhiên, tất cả đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu,… Do đó, dự án Luật Dữ liệu đang xây dựng được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Với 7 Chương và 67 Điều, dự án Luật quy định rõ: nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý Nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia…

Các bộ, ban, ngành cũng như giới chuyên gia đều khẳng định cần ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số cũng như an toàn trên không gian mạng.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-luat-hoa-du-lieu-la-tai-san-ca-nhan.html
Zalo