Đầu Xuân trở về miền đất Phật
Hội Xuân Yên Tử năm 2025 khai mạc sáng 7/2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng) tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh).

Tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc, thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử và du khách về chiêm bái, vãn cảnh.
Danh sơn Yên Tử là địa linh, phúc địa, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông, vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược (năm 1285, 1288). Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nước đã thanh bình, vua Trần Nhân Tông rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật.
Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Vậy nên, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nơi khởi nguồn và ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và vua Trần Nhân Tông chính là Đức Phật của đất nước Việt Nam.
Khi đến Yên Tử, du khách không thể bỏ qua các am, chùa nổi tiếng. Trong đó, chùa Hoa Yên to và cổ kính nhất, tọa lạc ở độ cao 535 m so với mực nước biển. Chùa được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân.

Trong ngày khai hội, thời tiết ở Yên Tử có gió rét kèm mưa và sương mù dày đặc.

Chùa Hoa Yên.

Khu vực chùa Đồng có gió to, giá buốt, sương mù bao phủ.

Du khách lễ Phật tại chùa Đồng.

Càng lên cao, sương mù càng dày đặc, nhiều người ngồi lên mỏm đá để nghỉ ngơi.
700 năm trước, chùa Hoa Yên chỉ là một thảo am rất nhỏ - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo, khi đó Phật hoàng đổi tên thành Vân Yên. Cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều trụ trì tại chùa này. Đến đời nhà Lê, khi Lê Thánh Tông đi qua thấy hoa lá xanh tươi, sương khói la đà đổi tên chùa thành chùa Hoa Yên.
Trong tháp Huệ Quang, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác và bài trí từ thế kỷ 17 cho đến nay đã được hơn 300 năm, được công nhận là bảo vật quốc gia cuối năm 2020.
Ngoài ra, tại đỉnh Yên Tử có độ cao 900 m so với mặt nước biển, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông huyền ảo trong sương mù càng tạo nên sự linh thiêng. Tượng được khánh thành vào tháng 12/2013, đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn.
Chùa Một mái, có mạch nước ngầm theo vách đá chảy xuống hốc nhỏ. Nguồn nước ở đây được ví von như dòng sữa mẹ không bao giờ cạn. Nhiều người đến đây xin nước để uống với niềm tin “uống nước trong chùa sẽ mát mẻ, mạnh khỏe cả năm”.
Cũng trên đỉnh Yên Tử, chùa Đồng được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Năm 2007, chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Yên Tử là Di tích quốc gia đặc biệt. Mới đây, Quảng Ninh cùng với Hải Dương, Bắc Giang đã hoàn chỉnh Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đến ngày 26/1/2024, hồ sơ đã được tổ chức UNESCO tiếp nhận, xem xét, thẩm định.