Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào châu Âu lần đầu tiên tăng sau 7 năm
Tổng vốn FDI của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) và Anh tăng 47% đạt 10 tỷ euro trong năm ngoái...

Nhà máy pin của CATL ở Debrecen, Hungary - Ảnh: Getty/FT.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng trong năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên tăng trong 7 năm, nhờ một làn sóng các dự án ô tô và pin xe ở Hungary. Dù vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn ngày càng tránh Anh, Đức và Pháp - Financial Times cho hay.
Theo số liệu từ một báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator và công ty tư vấn Rhodium Group được tờ báo trên trích dẫn, tổng vốn FDI của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) và Anh tăng 47% đạt 10 tỷ euro trong năm ngoái.
Mức tăng trưởng này đánh dấu sự đảo ngược xu hướng giảm của 6 năm trước đó, nhưng tổng vốn FDI của Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2024 chỉ bằng 1/6 so với mức đỉnh thiết lập vào năm 2016. Ngoài ra, lượng vốn này có sự tập trung lớn vào một nhóm nhỏ doanh nghiệp, bao gồm hai nhà sản xuất pin CATL và Envision, công ty công nghệ Tencent và hãng xe Geely.
“Thị trường EU vẫn hấp dẫn đối với vốn đầu tư Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng Max Zenglein của công ty Merics nhận định với Financial Times. Ông cũng cho rằng Bắc Kinh có thể xem việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Âu là “một công cụ để tạo ảnh hưởng chiến lược”.
Đối mặt với sự giám sát chính trị ngày càng tăng và căng thẳng thương mại, các công ty Trung Quốc đã chuyển hướng từ sáp nhập và mua lại (M&A) sang đầu tư vào các dự án mới (greenfield). Cơ sở sản xuất pin trị giá 7,5 tỷ euro của CATL tại Debrecen và nhà máy sản xuất xe điện trị giá 5 tỷ euro theo kế hoạch của BYD tại Szeged - cả hai đều ở Hungary - đại diện cho sự thay đổi này.
Hungary chiếm 31% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu vào năm 2024, giữ vững vị trí là điểm đến hàng đầu trong năm thứ hai liên tiếp. Ngược lại, tổng tỷ trọng của Anh, Đức và Pháp giảm xuống chỉ còn 20% so với mức trung bình 52% trong 5 năm trước.
Thủ tướng Viktor Orban của Hungary - một nhà lãnh đạo được cho là ủng hộ Trung Quốc nhất trong EU - coi nguồn vốn của Trung Quốc là trụ cột quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng trong nước yếu kém.
Về phần mình, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đang đương đầu áp lực phải mở rộng sản xuất và thị trường ra nước ngoài để ứng phó với tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu yếu kém trong nước. Quyết định của EU vào tháng 10 năm ngoái về việc áp dụng mức thuế lên tới 45% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã thúc đẩy hơn nữa việc các hãng xe Trung Quốc mở nhà máy ở khối này để sản xuất tại chỗ.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Mercator và Rhodium ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong các thông báo đầu tư mới của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vào châu Âu, với mức giảm 79% trong năm 2024 so với mức 2022-2023. Chẳng hạn, nhà sản xuất pin Svolt đã từ bỏ kế hoạch xây dựng hai nhà máy tại Đức trị giá 4,2 tỷ euro, trong khi cuộc điều tra sơ bộ của Ủy ban châu Âu (EC) về trợ cấp nước ngoài đối với nhà máy BYD tại Hungary có thể làm suy giảm hơn nữa động lực đối với các công ty Trung Quốc - báo cáo cho biết.
Sự sụt giảm này đã được bù đắp một phần bởi mức gia tăng khiêm tốn trong hoạt động M&A. Tencent đã mua lại nhà phát triển trò chơi điện tử Techland của Ba Lan với giá 1,5 tỷ euro, mặc dù những giao dịch như vậy được dự báo sẽ không có nhiều. Động lực truyền thống cho hoạt động M&A là tiếp cận công nghệ phương Tây đã trở nên suy yếu khi Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng mình.
Hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo cũng đang bị giám sát chặt chẽ hơn trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu đã thấy khả năng giảm bớt căng thẳng trong ngắn hạn, vì một số quốc gia thành viên EU tìm cách tránh xung đột thương mại đồng thời với cả Bắc Kinh và Washington, trong khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ với Brussels.