Đầu tư công quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, chuẩn bị nền tảng cho một kỷ nguyên cất cánh của đất nước. Để đạt mục tiêu đó, có nhiệm vụ phải tập trung khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công (ĐTC).

Để đạt mục tiêu tăng trưởng phải tập trung khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 95% kế hoạch
Quốc hội nêu rõ: đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC trong năm 2025 đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể cho chạm ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Như vậy có thể thấy ĐTC đóng vai trò hết sức quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là kết quả giải ngân vốn ĐTC, mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm, cả nước phải tập trung thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, vừa phải đảm bảo thực hiện được các công trình, dự án trọng điểm, vừa đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia…, do đó rất cần khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư toàn xã hội.
Vì vậy cần tăng mạnh ĐTC, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn năm trước, và tăng tín dụng trong điều kiện lạm phát đạt mục tiêu dưới 5%. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cần đẩy mạnh đầu tư tư nhân, giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương.
“Tôi thống nhất ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐTC năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên cần phải có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý ĐTC, bảo đảm giải ngân được số vốn ĐTC đã giao dự toán” - đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu.
Bởi thực tế, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, thường xuyên đôn đốc, nhưng vấn đề giải ngân vốn ĐTC chậm nhiều năm chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy cần đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân từ thể chế cũng như trách nhiệm của các chủ thể, để từ đó có giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới.
Đầu tư tập trung, không dàn trải
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở những dự án tồn đọng, những dự án lớn ở các thành phố lớn. Chúng ta phải có giải pháp rất cụ thể và các tổ công tác của Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tháo gỡ nhanh để khơi thông các nguồn lực. Đồng thời, các thủ tục đầu tư cho những dự án mới cũng phải hoàn thiện nhanh, nếu chậm sẽ rất khó để đưa nguồn lực vào nền kinh tế.
Tại TPHCM rất nhiều dự án nằm trong diện này, như dự án giao thông, đường sắt đô thị, cảng Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, các dự án Vành đai 4… Những dự án này cần phải có những thủ tục ưu tiên rút gọn để đưa vào thực hiện nhanh.
Khi thảo luận ở tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Giải pháp thúc đẩy ĐTC, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần “vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó”. Các hạ tầng chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc; hạ tầng số, hạ tầng y tế giáo dục, xã hội; các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM… đều sẽ được đẩy mạnh triển khai trong năm 2025".
Chính phủ đã trình Quốc hội các cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án nhưng giảm chi phí, không đội vốn, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, không để tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề còn lại là các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt, tăng tốc để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC nhằm bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng. Hành động quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư tập trung, không dàn trải”.
Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2025. Tuy nhiên, kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 đến ngày 23-1 mới đạt 96,07% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn (khoảng 84.840,5 tỷ đồng) của 26 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương; trong khi đó giải ngân hết tháng 1 ước đạt 1,26% kế hoạch (cùng kỳ năm 2024 là 2,58%).
Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành.
Thủ tướng yêu cầu phải phân bổ chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 trong quý I-2025 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ, nếu hết quý I không hoàn thành thì Chính phủ sẽ thu hồi để phân bổ cho các dự án khác cần vốn để hoàn thành.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý ĐTC.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 sẽ kéo theo tăng trưởng của nhiều chỉ số, từ quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động. Đây là một thách thức rất lớn. Nhưng tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng.
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH