Đầu tư cho văn hóa cần đồng bộ và hiệu quả

Lĩnh vực văn hóa đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tổ chức tài trợ, không chỉ vì giá trị truyền thống mà còn vì khả năng tạo ra cơ hội kinh tế bền vững và nâng cao giá trị xã hội.

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa thế nào để ngành này xứng với tiềm năng “con gà đẻ trứng vàng” là điều mà các chuyên gia, các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nhiệt tình thảo luận tại hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Kho tàng di sản chưa phát huy được giá trị

Ngành công nghiệp văn hóa bao gồm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, âm nhạc, xuất bản, thời trang, thiết kế... là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc dân. Việc lựa chọn văn hóa trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn tăng trưởng kinh tế không chỉ giúp tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Tuy nhiên, như nhận định của Tiến sĩ Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) thì hiện nay, công nghiệp văn hóa đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, sau 6 năm (2016-2022), Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được phê duyệt nhưng ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Trong đó, Hà Nội cũng có kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhưng hầu hết các lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Ví dụ như Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và phong phú với gần 6.000 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, gần 2.000 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại... Tuy nhiên, kho tàng di sản này chưa được đầu tư hiệu quả để phát huy giá trị, thế mạnh. Việc bảo tồn văn hóa không đồng bộ, các dự án bảo tồn thường bị thực hiện một cách rời rạc, không mang lại hiệu quả lâu dài.

Bảo tồn di sản là một trong những yếu tố trong đầu tư cho văn hóa.

Bảo tồn di sản là một trong những yếu tố trong đầu tư cho văn hóa.

Bà Cao Ngọc Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) thì cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng này gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Ví dụ, với đề án sưu tầm các điệu múa cổ của Hà Nội, nguồn kinh phí 547 triệu đồng cấp cho Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội hằng năm chỉ đủ đáp ứng phần sưu tầm cơ bản như điền dã và viết tổng kết. Các hoạt động lưu trữ và phổ cập tới công chúng như tổ chức biểu diễn hoặc xuất bản sách lại không đủ để đồng bộ trong cùng 1 năm tài chính. Điều này dẫn đến việc thời gian cho một dự án bị kéo dài do thiếu kinh phí, làm chậm tiến độ hoàn thành và giảm đi sự nhiệt tình của các nhà nghiên cứu.

Tương tự, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập. Nếu như trên thế giới, thể loại nhạc kịch với sự tồn tại lâu đời và sự độc đáo riêng đã trở thành sản phẩm nghệ thuật đắt giá của ngành công nghiệp biểu diễn với doanh thu cao và diễn viên nhạc kịch trở thành các ngôi sao sáng trong nghệ thuật. Với tiêu chuẩn một diễn viên nhạc kịch cần được đào tạo bài bản với 3 kỹ năng (diễn xuất, thanh nhạc, nhảy múa) thì hiện tại Việt Nam chưa có trường đào tạo nghệ thuật chuyên biệt cho loại hình này.

Thực tế gần đây, số lượng vở diễn tăng lên nhưng diễn viên vẫn đang chủ yếu đào tạo theo kiểu “mì ăn liền” thông qua các vở diễn hoặc qua các dự án hợp tác quốc tế, đi kèm dàn dựng vở là đào tạo ngắn ngày từ các nguồn diễn viên đào tạo riêng như ca sĩ, diễn viên múa, diễn viên sân khấu... Ngoài ra, những thành phần của ê-kíp sáng tạo như đạo diễn, kỹ thuật viên cũng chưa được đào tạo sâu về thể loại này nên đa phần vừa làm vừa khám phá.

Hạ tầng dành cho nghệ thuật biểu diễn cũng rơi vào tình trạng thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà Nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay, chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm, còn lại đều quá cũ, không phù hợp nếu muốn tổ chức những đêm nghệ thuật hoành tráng.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Thủy (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh tới việc cần đầu tư vào điện ảnh bởi đây là ngành có tiềm năng lớn trong việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm đóng góp vào tăng trưởng GDP, đồng thời là công cụ hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước đến bạn bè quốc tế. Ví dụ như bộ phim “Mai” (đạo diễn Trấn Thành), “Lật mặt” (đạo diễn Lý Hải) khi mới ra rạp, doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/ngày.

Từ 2017, doanh thu của ngành điện ảnh Việt có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2023 doanh thu từ các phòng vé đạt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2018. Tuy nhiên, ngành điện ảnh Việt Nam hiện còn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn tài chính, cơ sở vật chất lạc hậu và thị trường phân phối chưa phát triển mạnh. Đầu tư vào điện ảnh sẽ không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là cách để bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc.

Tăng cường hợp tác công - tư

Theo nhà sản xuất/đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, chủ nhân chương trình “Lên ngàn” thì cách thức hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia chính là việc kết nối đầu tư công - tư với di sản văn hóa địa phương, tích hợp thương hiệu doanh nghiệp địa phương vào cùng một chuỗi giá trị với thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất. Và, chính thương hiệu quốc gia sẽ tiếp thêm sức mạnh cho từng thương hiệu doanh nghiệp trong quốc gia đó.

Ông cũng lưu ý, hiện nay, khách hàng và xã hội ngày càng dành sự chú ý đặc biệt cho các thương hiệu tôn trọng thiên nhiên, di sản văn hóa, môi trường và con người. Việc tài trợ, bảo trợ văn hóa là một cách quảng bá thương hiệu, sản phẩm tinh tế và hữu hiệu.

Ở lĩnh vực điện ảnh, Nhà nước cần đóng vai trò hỗ trợ thông qua cung cấp các chính sách ưu đãi, cơ chế đầu tư công và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực sản xuất và phát hành phim. Việc lập các quỹ hỗ trợ điện ảnh, trong đó nguồn vốn từ Nhà nước và tư nhân cùng đóng góp, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính. Hợp tác công - tư còn mở ra cơ hội đưa phim ra thị trường quốc tế thông qua các mạng lưới phân phối toàn cầu của các công ty lớn. Xây dựng phim trường với các khu vực thiết kế chuyên biệt cho từng thể loại phim, phát triển dịch vụ xem trực tuyến...

Điện ảnh là lĩnh vực có thế mạnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới.

Điện ảnh là lĩnh vực có thế mạnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới.

PGS.TS Võ Thị Mai Phương (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho biết, tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), một số mô hình xã hội hóa thành công như các buổi trình diễn nhạc cụ truyền thống trên phố đi bộ nhận tài trợ từ doanh nghiệp, nhưng vẫn do nghệ nhân địa phương thực hiện. Tổ chức các sự kiện văn hóa theo định kỳ (lễ hội đêm phố cổ), từ đó tạo dựng thương hiệu văn hóa bền vững cho phố Hàng Buồm. Một số mô hình kinh doanh kết hợp bảo tồn: nhiều hộ gia đình tại phố cổ này kết hợp kinh doanh sản phẩm đặc trưng như bánh kẹo truyền thống, dụng cụ khắc dấu và trưng bày nghề thủ công, thu hút khách du lịch trải nghiệm văn hóa. Phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc như tour du lịch “Một ngày khám phá phố cổ Hà Nội”, đưa du khách tham quan các điểm đến văn hóa tại Hàng Buồm, kết hợp các hoạt động trải nghiệm như học làm oản, khắc dấu hoặc tham gia lễ cúng truyền thống tại đình Hàng Buồm. Đây là minh chứng cho sự thành công của việc kết hợp cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Việc giao lưu, học hỏi với các đơn vị nghệ thuật trên thế giới là điều cần thiết. Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và các nhà hát khác đã và đang có nhiều hoạt động giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các quỹ văn hóa của các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Đức... giúp các nghệ sĩ được tập huấn chuyên môn tại chỗ cũng như trao đổi diễn viên, đạo diễn kỹ thuật viên giữa các nước. Nhiều kinh nghiệm hay từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã được các chuyên gia mang đến để gợi mở cho Việt Nam trong việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa.

“Chính phủ thúc đẩy làn sóng Hàn Quốc như một nguồn thu nhập mới bằng cách gia tăng xuất khẩu các sản phẩm văn hóa và thúc đẩy ngành du lịch. Làn sóng này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh mà còn mở rộng sang nghệ thuật, giải trí và công nghệ” - bà Nguyễn Thị Thu Trang (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/dau-tu-cho-van-hoa-can-dong-bo-va-hieu-qua-i756084/
Zalo