Phát huy giá trị văn hóa dân gian Việt Nam qua âm nhạc đương đại
Việc đưa chất liệu âm nhạc dân gian vào các sáng tác đương đại đã trở thành một xu hướng phát triển mới cho nghệ thuật Việt Nam. Sử dụng văn hóa truyền thống làm điểm tựa, nhiều tiết mục tại Chị đẹp đạp gió 2024 đã gây được ấn tượng lớn với khán giả.
Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống
Chương trình Chị đẹp đạp gió 2024 không chỉ là một sân chơi âm nhạc mà còn là hành trình khám phá và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, khi những chất liệu dân gian được làm mới để tạo nên sức hút đặc biệt.
Trong công diễn 5, ca nương Kiều Anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi kết hợp "Cô đôi thượng ngàn" với sáng tác mới "Phong nữ" của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Tiết mục được xây dựng tỉ mỉ, từ phần âm nhạc, biên đạo đến hình ảnh sân khấu, tái hiện khung cảnh núi rừng linh thiêng, huyền bí và hùng vĩ của vùng đất Nho Quan (Ninh Bình) – nơi Cô đôi về ngự lúc thanh nhàn, khiến khán giả chìm đắm trong một không gian tâm linh đầy mê hoặc.
Dù đây là lần thứ ba Kiều Anh hóa thân thành “Cô đôi thượng ngàn” trên sân khấu nhưng với sự sáng tạo trong cách kết hợp âm nhạc, cô đã mang lại một làn gió mới cho tín ngưỡng thờ Mẫu, tái hiện một phần quan trọng của văn hóa dân gian Việt Nam.
Sự đầu tư tâm huyết của Kiều Anh và đội ngũ trong thời gian gấp rút từ sáng tác, phối nhạc đến biểu diễn đã nhận được sự tán dương nồng nhiệt từ cả khán giả lẫn giới nghệ sĩ. Diva Mỹ Linh không ngần ngại khẳng định rằng đây không thể coi là một tiết mục đi thi mà đã trở thành một bữa tiệc mà Kiều Anh thiết đãi tất cả khán giả. Đáng chú ý, tiết mục đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng khi đạt hơn 3,4 triệu lượt xem trên YouTube và giữ vững vị trí top 5 trong bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành tại Việt Nam.
Không kém phần ấn tượng, Bùi Lan Hương – thành viên nhóm Tóc Tiên đã táo bạo phổ nhạc theo phong cách dân ca Bắc Bộ như quan họ, chèo, nảy hạt cho "Tự tình II" của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương và một câu chèo cổ, nhằm làm phong phú thêm phần bài hát "Từ chối em nhẹ nhàng thôi".
Việc lồng ghép này không chỉ làm nổi bật nỗi buồn sâu sắc của nhân vật trong bài hát mà còn tạo nên sự giao thoa đặc biệt giữa thơ ca và âm nhạc; giữa âm nhạc dân gian và hiện đại. Phần X-part (phần viết thêm, viết mới) được lồng ghép này giúp câu chuyện thêm chiều sâu, khắc họa tâm trạng của người phụ nữ khi tuổi xuân đã qua mà nhân duyên vẫn chưa trọn vẹn. Chính vì sự kết hợp tinh tế này, đội Tóc Tiên đã xuất sắc giành vị trí dẫn đầu trong đường đua cấp bậc tại công diễn 5.
Bên cạnh đó, công diễn 5 còn là một bữa tiệc văn hóa đa sắc màu khi các đội thi đồng loạt khai thác chất liệu dân gian ở những khía cạnh khác nhau. Điệu quan họ, nảy hạt của dân ca Bắc Bộ; lời vọng cổ ngân vang qua tiếng hát Phương Thanh và Ngọc Thanh Tâm; điệu múa cầu lụa uyển chuyển của Hoàng Yến Chibi hòa cùng tiếng đàn tranh của Thảo Trang, tiếng đàn bầu réo rét của Ngọc Phước trong “In the dark”, phóng tác từ truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy…, tất cả đều hòa quyện để tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.
Tiếp nối tinh thần đó, tại chung kết 1, các đội thi tiếp tục mang đến những tiết mục đậm bản sắc vùng miền. Đội Kiều Anh với mashup “Đỉnh nóc kịch trần x Inh lả ơi” đã tái hiện không gian Tây Bắc rực rỡ sắc Xuân qua trang phục thổ cẩm, kết hợp giữa âm nhạc dân gian và hip-hop.
Trong khi đó, đội Minh Tuyết lại chọn bài "Giận mà thương" để tôn vinh văn hóa miền Trung, khắc họa nét đẹp của làng nghề tranh làng Sình, hương Xuân Thủy, hoa giấy Thanh Tiên, lồng đèn Hội An, hội đua thuyền rồng và các câu hò Huế ngọt ngào.
“Chúng tôi đứng đây không chỉ để làm nghệ thuật mà còn lấy nghệ thuật đưa văn hóa đến gần với bạn trẻ, đưa văn hóa đi xa hơn để tiếp nối và bảo tồn; giữ gìn, phát triển bởi văn hóa là cốt lõi” - chị đẹp Ngọc Phước chia sẻ.
Điểm nhấn đặc biệt của tiết mục là phần rap bằng giọng miền Trung do Hoàng Yến Chibi chắp bút lần đầu tiên, tạo nên sự mới mẻ và gây bất ngờ cho khán giả. Nhóm cũng chia sẻ rằng họ muốn truyền tải tinh thần kiên cường của người miền Trung – những con người luôn bền bỉ, bất khuất vượt qua khó khăn.
Đội Tóc Tiên lại đem đến không khí tưng bừng của một đám cưới miền Tây đầy tươi vui với mashup "Ra giêng anh cưới em x Mùa Xuân đầu tiên x Rồi tới luôn", tái hiện vẻ đẹp văn hóa Nam Bộ qua trang phục áo bà ba và các âm hưởng đặc trưng của vùng đất này. Màn trình diễn của đội Tóc Tiên không chỉ mang lại không khí lễ hội mà còn phản ánh niềm vui, sự tươi mới của một mùa Xuân đoàn viên.
Định hình tương lai của âm nhạc Việt
Trong dòng chảy không ngừng của nền công nghiệp giải trí, việc đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc hiện đại đang dần vượt qua ranh giới của một xu hướng nhất thời để trở thành nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài của âm nhạc Việt Nam.
Sự tỏa sáng của các tiết mục mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, chương trình Chị đẹp đạp gió 2024 là minh chứng rõ nét nhất cho tiềm năng to lớn của hướng đi này.
Những năm gần đây, khán giả đã chứng kiến sự bùng nổ của các sản phẩm âm nhạc sử dụng chất liệu dân gian. Những tác phẩm như “Mời trầu” của Masew và Tuấn Cry; “À lôi” của Double2T và Masew; “Thị Mầu” của Hòa Minzy hay “Vũ trụ có anh” của Phương Mỹ Chi… đều mang trong mình hơi thở của văn hóa truyền thống Việt Nam, từ giai điệu đặc trưng đến hình ảnh giàu tính biểu tượng. Những sáng tạo này là cách vừa làm mới âm nhạc dân gian vừa mở rộng biên giới của dòng nhạc hiện đại.
Điểm chung của các tác phẩm thành công này nằm ở sự kết hợp khéo léo giữa nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc… cùng âm nhạc và kỹ thuật sản xuất hiện đại.
Những yếu tố âm nhạc vốn quen thuộc, gắn liền với đời sống dân gian nhưng khi được đặt trong bối cảnh đương đại đã mang lại cảm xúc mới lạ, chạm đến trái tim khán giả. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí, chúng còn khơi dậy niềm tự hào và tình yêu về di sản văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, để duy trì sự thành công này, nghệ sĩ cần hiểu sâu và trân trọng giá trị cốt lõi của văn hóa dân gian. Những sáng tạo hời hợt, chỉ dựa vào bề nổi của truyền thống có thể làm mất đi sự tinh tế vốn có. Điều này đặt ra yêu cầu về sự đầu tư công phu trong nghiên cứu, chọn lọc và thể hiện chất liệu dân tộc sao cho vừa giữ được bản sắc, vừa phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Với nền tảng văn hóa phong phú và bề dày lịch sử, âm nhạc Việt Nam giống như một mạch ngầm bền bỉ, luôn tìm cách trỗi dậy, vươn mình mạnh mẽ trong môi trường mới. Những nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ hôm nay không chỉ làm phong phú thêm đời sống âm nhạc mà còn góp phần định hình bản sắc riêng, tạo nên dấu ấn đặc biệt cho âm nhạc Việt trên hành trình hội nhập, đưa văn hóa Việt tỏa sáng trên trường quốc tế.