Chùa Dâu tọa lạc tại phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo sử liệu, chùa được xây dựng từ năm 187 và hoàn thành vào năm 226. Đây được coi là ngôi chùa cổ xưa nhất gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.
Ngôi chùa này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Pháp Vân Tự, Duyên Ứng Tự, Cổ Châu Tự, Thiền Định Tự.
Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Tại vùng Dâu có 5 ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân, "mây pháp"; chùa Đậu thờ Pháp Vũ , "mưa pháp"; chùa Tướng thờ Pháp Lôi, "sấm pháp"; chùa Dàn thờ Pháp Điện, "chớp pháp" và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ pháp. 5 chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần.
Điểm nhấn về kiến trúc của chùa Dâu là tháp Hòa Phong cao khoảng 17 m nằm giữa sân. Tòa tháp có kết cấu bằng gạch mộc nung thủ công. Năm 1313, dưới triều của vua Trần Anh Tông, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã tu bổ chùa và cho xây dựng ngôi tháp 9 tầng, đến nay chỉ còn lại 3. Trên tầng hai của tháp có tấm bảng khắc 3 chữ “Hòa Phong tháp”. Bên trái tòa tháp là tấm bia đá dựng năm 1738, bên phải là tượng cừu đá có từ 1.800 năm trước.
Thông thường ở các ngôi chùa Việt, tượng các con vật thường gặp là rùa, nghê, sư tử, voi… chứ hiếm khi thấy tượng cừu. Nhiều người khi đến chùa Dâu đều tò mò về tượng cừu đá. Nhưng tìm hiểu về sự tích chùa Dâu, về vị sư Khâu Đà La là người Tây Trúc đến tu ở đây thì sự có mặt của tượng cừu đá không còn là khó hiểu, bởi rất có thể chính những người Hồ (chỉ các nhà sư Ấn Độ) đã cho tạc tượng cừu vì cừu là con vật quen thuộc với họ. Tượng cừu đá có chiều dài 1,33 m, cao 0,8 m, được truyền rằng có vào khoảng thế kỷ thứ 2.
Bên trong tháp có bộ chuông khánh bằng đồng đúc lần lượt vào năm 1793 và 1817. Khi xưa, trong dân gian lưu truyền câu thơ về tháp: “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”.
Tháp Hòa Phong có 4 cửa vòm ở mỗi tầng. Tại các góc ở chân tháp có bệ thờ “Tứ vị Thiên Vương” với quan niệm đây là các vị thần cai quản bốn phương trời. Tượng làm từ gỗ phủ sơn, cao 1,6 m và có niên đại từ thế kỷ 18.
Nhà Tiền đường gồm 7 gian, 2 chái. Trước nền nhà là tam cấp chạy suốt 5 gian giữa. Ở gian chính giữa có 2 thành bậc đá chạm rồng, mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Tại Tiền đường có các ban thờ Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương.
Tại nhà thượng điện, bục cao nhất của gian giữa đặt pho tượng bà Dâu hay nữ thần Pháp Vân, một trong Tứ Pháp, theo tín ngưỡng bản địa của người Việt kết hợp với Phật giáo Ấn Độ. Tứ Pháp gồm các nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện tương ứng với các hiện tượng tự nhiên là mây, gió, sấm, chớp.
Tượng các vị thần dọc theo hai bên tường tòa Thiên Hương.
Khu vực nối Tiền thất và Hậu đường là nơi thờ Thập bát La Hán (18 đệ tử đắc đạo của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán). Ngoài ra, các pho tượng Bồ Tát, Tam Thế, Đức Ông, Thánh Tăng được đặt ở phần hậu điện.
Ông Vương Đình Tuyền, Trưởng Phòng Văn Hóa và Thông tin thị xã Thuận Thành cho biết, chùa Dâu là một trong những công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa lớn lao và sâu sắc nhất ở Việt Nam và trong khu vực, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa phật giáo, tôn giáo tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật. Quá trình hình thành và tồn tại của chùa Dâu gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của dân tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo được Nhân dân địa phương duy trì từ xa xưa.
Với nhiều giá trị lịch sử, chùa Dâu đã được Thủ tướng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, chùa Dâu là điểm đến của Phật tử của cả nước. Du khách đến với chùa Dâu là về với đạo Phật và cùng chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, giá trị mà ngôi chùa mang lại.