Đầu tư cho công nghiệp văn hóa không chỉ là tài chính
Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp rất cần đầu tư phi tài chính như: hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực; quy hoạch và cung cấp các không gian sáng tạo quy mô lớn; xây dựng môi trường thuận lợi cho sáng tạo…
Đầu tư dàn trải, thiếu mục tiêu cụ thể
Đầu tư và tài trợ cho văn hóa ngày càng được chú trọng. Nhiều quốc gia đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng. Pháp, với truyền thống bảo trợ nghệ thuật lâu đời, đã xây dựng một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Hàn Quốc, thông qua sự đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp giải trí, đã vươn lên thành một cường quốc văn hóa ở châu Á. Singapore, với các chính sách ưu đãi và sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đã trở thành một trung tâm văn hóa sôi động… Thành công của các quốc gia này cho thấy, việc có chính sách rõ ràng, cơ chế quản lý hiệu quả, sự tham gia của khu vực tư nhân và xây dựng cộng đồng là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.
Những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong đầu tư và tài trợ cho văn hóa. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, mức đầu tư cho văn hóa vẫn còn khiêm tốn. Nguồn lực tài chính chủ yếu vẫn đến từ ngân sách nhà nước; sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội còn hạn chế.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa thiếu đồng bộ, dẫn đến khai thác nguồn lực không hiệu quả. Những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này thời gian qua cũng còn những bỏ ngỏ.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung cho rằng, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa nhưng dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ, đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan. Do vậy, chưa xây dựng được chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư. Kết quả là những người làm văn hóa, nghệ sĩ chưa có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó…
Xây dựng hệ sinh thái văn hóa bền vững
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho biết: “Trong 4 năm vừa qua, chúng tôi thực hiện nghiên cứu chung 9 nước ở khu vực Đông Nam Á về dòng tài chính cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Nhóm nghiên cứu có khảo sát với mỗi quốc gia và tại Việt Nam có sự tham gia của 28 tổ chức, công ty với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra rằng, dù hầu hết tổ chức đều đánh giá cao nguồn đầu tư của chính phủ, hoặc thông qua tài trợ trực tiếp, hoặc thông qua đặt hàng, hợp đồng của chính phủ để sử dụng dịch vụ, nhưng đầu tư phi tài chính lại được cho là quan trọng hơn, quyết định sự sống còn, phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, như đầu tư cho giáo dục, xây dựng năng lực về đào tạo và kỹ năng cho những người quản lý, vận hành doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo…”.
Bên cạnh đó, theo bà Phạm Thị Thanh Hường, nhiều doanh nghiệp tập trung ở thành phố lớn và khó khăn lớn nhất của họ là chi phí thuê mặt bằng, tổ chức các chương trình thu hút đông người tham dự. Nếu giá thuê mặt bằng tương ứng với các chương trình thương mại, giải trí thì họ không thể trụ nổi. Nghiên cứu từ 132 doanh nghiệp ở Đông Nam Á cho thấy, họ rất cần sự hỗ trợ về mặt bằng thiết yếu và có tính ổn định; mong muốn được tiếp cận theo hệ sinh thái, có quy mô mang tính vật lý tập trung ở các điểm trung tâm đô thị. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục cấp phép; có nghiên cứu khách quan, minh bạch về thị trường, liên tục cập nhật và tư vấn về thực trạng, xu hướng phát triển…
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người tiên phong trong hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo tại Hà Nội, cũng có chung quan điểm. Theo ông Thanh, để xây dựng được đời sống nghệ thuật thì phải có cơ sở vật chất, nhưng cơ sở ấy phải đủ lớn, đủ tầm. Các trung tâm nghệ thuật nhỏ vẫn đang hoạt động đâu đó, rời rạc, không tạo nên được sự cộng sinh, cộng hưởng, không tạo được hệ sinh thái sáng tạo. Thực tế cho thấy, chỉ Nhà nước mới có được quỹ đất đủ lớn. Do đó, phải quy hoạch, tạo quỹ đất, có hạ tầng không gian nhằm xây dựng được đời sống, nếp sống nghệ thuật, với các tiêu chí cụ thể, như công dân thành phố đi xem hòa nhạc 1 lần/tháng, hay đi xem nghệ thuật 2 lần/tháng…
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, nhà sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của Lên Ngàn góp ý, cần thiết lập và phát triển cơ chế thị trường hoàn chỉnh cho công nghiệp văn hóa, và hệ thống chính sách khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi hơn, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Bên cạnh đó, cần hệ thống công cụ bảo hộ quyền lợi và sở hữu trí tuệ cho người làm sáng tạo. "Hệ thống văn bản pháp lý rất cần nhưng chưa đủ. Cái chúng ta cần là chính sách và bộ máy đứng về phía người làm sáng tạo, chọn bảo hộ sở hữu trí tuệ của người Việt Nam làm trọng tâm".
“Tôi rất mong muốn khi chúng ta nhìn về văn hóa thì phải nhìn về sự bền vững, đầu tư lâu dài, có hệ thống để từ đó tạo ra được những giá trị, căn cốt từ sự đầu tư của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Cần triển khai một cách bài bản, quyết liệt, tạo cơ chế đầu tư và tài trợ để văn hóa trở thành một mũi nhọn của phát triển” - PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương kiến nghị.