Bất động sản công nghiệp tiếp tục hấp dẫn vốn ngoại
Liên tục có thêm dự án mới, mức độ quan tâm của nhà đầu tư quốc tế cũng tăng cao cùng với dòng vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản công nghiệp.
Hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Ông Thomas Rooney - Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Dữ liệu của Savills cho thấy, đến cuối năm 2024, tổng diện tích đất công nghiệp quốc gia đạt hơn 38.200 ha từ 203 khu công nghiệp đang hoạt động, tăng 5% so với năm trước. Việt Nam sở hữu vị trí thuận lợi, gần “thung lũng Silicon” của Trung Quốc (Quảng Châu - Thâm Quyến - Đông Hoàn).
Nhờ đó, Việt Nam phù hợp cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc (chiến lược “Trung Quốc +1”) của các nhà sản xuất quốc tế lớn trong việc giảm rủi ro về địa chính trị, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc.
Còn tại phía Nam, JLL Việt Nam thông tin, thị trường kho vận khu vực này đang chuẩn bị cho sự mở rộng quy mô vào năm 2025, với khoảng 684.000 m2 nhà kho xây sẵn hiện đại đang được xây dựng. Thị trường không chỉ chứng kiến những cái tên quen thuộc, mà còn xuất hiện thêm các người chơi mới.
Đại diện một chủ đầu tư khu công nghiệp cho hay, ngoài các dòng vốn quen như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhà đầu tư Âu - Mỹ đang thể hiện sự quan tâm nhiều hơn.
Theo vị này, môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp (khách thuê), mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư sơ cấp. Việc thị trường liên tục chứng kiến các dự án mới của những công ty liên doanh, hay có nhà đầu tư Thái Lan liên tục đầu tư dự án khu công nghiệp mới trong thời gian qua đã minh chứng rõ điều này.
Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu “nearshoring” (các công ty chuyển hoạt động sản xuất, dịch vụ và hậu cần từ một quốc gia xa sang các quốc gia lân cận) với hơn 35% doanh nghiệp ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất đa quốc gia gia tăng trong năm qua.
Các tập đoàn lớn như Samsung, Nike, Adidas, Intel… đã đầu tư mạnh vào Việt Nam nhờ vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động tay nghề cao, cùng môi trường đầu tư ổn định.
Việt Nam xếp hạng 9 trong số 60 quốc gia theo Tổng chỉ số nguồn nhân lực của ManpowerGroup, khẳng định sự hấp dẫn với các doanh nghiệp quốc tế. Chính phủ cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài, góp phần củng cố vị thế Việt Nam là trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu.
Điểm đến của dòng vốn toàn cầu
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao, với xu hướng đầu tư tập trung vào công nghệ xanh, sạch và sản xuất chip, chất bán dẫn.
Theo lãnh đạo Avison Young Việt Nam, ngày 5/12/2024 đánh dấu bước ngoặt lớn khi NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ, cam kết thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.
Đây là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của NVIDIA trong việc phát triển Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai” và tạo động lực thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao.
Cùng với đó, việc Hyosung - tập đoàn công nghệ thông tin và công nghiệp Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD càng khẳng định vai trò chiến lược của Việt Nam. Chủ tịch Hyosung nhấn mạnh, môi trường đầu tư tại Việt Nam rất đáng tin cậy và ông tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của châu Á.
Hyosung là đối tác FDI lớn thứ ba của Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD và dự kiến đầu tư thêm 4 tỷ USD để tạo ra khoảng 10.000 việc làm mới. Tập đoàn này đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất sợi carbon, trung tâm dữ liệu và nhiên liệu bay sinh học bền vững.
“Hyosung đang hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE để mời làm đối tác đồng hành trong các dự án tại Việt Nam. Kỳ vọng mô hình hợp tác này sẽ thu hút đầu tư từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho đất nước”, ông David Jackson chia sẻ thêm.
Còn bà Nguyễn Lê Dung - Trưởng Bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội thông tin, các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có hoạt động tích cực. Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Theo bà Dung, sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.
Ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam cho biết, năm 2024, lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể thị trường bất động sản.
Trong suốt năm qua, các nhà sản xuất toàn cầu lớn như Samsung, LG, Foxconn, Hyosung và Nestle đã công bố kế hoạch mở rộng và khởi động nhiều dự án tại nhiều khu vực khác nhau ở Việt Nam.
Cam kết mạnh mẽ trong việc mở rộng sản xuất của các đơn vị này, minh chứng bằng giải ngân vốn FDI đạt mức kỷ lục 25 tỷ USD, là động lực cho kết quả tích cực của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm qua.
Giao dịch cho thuê chủ yếu được dẫn dắt bởi các đơn vị phát triển kho/xưởng lớn với danh mục đầu tư trải khắp cả nước.
Các nhà sản xuất trong các ngành nội thất, đồ gia dụng và thiết bị điện tử, cùng với sự mở rộng của các công ty trong ngành thương mại điện tử và logistics dẫn dắt nhu cầu ở phía Nam. Trong khi đó, các giao dịch lớn ở phía Bắc đến từ các ngành logistics, điện tử và sản xuất vật liệu.
Về xuất xứ nguồn vốn, theo CBRE, cả 2 khu vực đều thu hút các nhóm khách thuê đa dạng. Ở phía Bắc, cùng với nhu cầu ổn định từ các công ty Trung Quốc và Việt Nam, các nhà sản xuất châu Âu là nhóm khách hàng đang tích cực tìm kiếm các diện tích đất công nghiệp và kho xưởng.
Trong khi đó, ở phía Nam, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm 1/4 các yêu cầu hỏi thuê gửi tới CBRE, tăng từ mức 10% của năm trước. Nhu cầu đa dạng hơn từ các quốc gia khác nhau cho thấy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản công nghiệp trên cả nước.
Theo ông Hiếu, trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng từ 4-8%/năm ở phía Bắc và 3-7%/năm ở phía Nam. Các khu công nghiệp mới dự kiến tập trung tại Hải Phòng và Vĩnh Phúc ở phía Bắc, hoặc Bình Dương, Đồng Nai và Long An ở phía Nam.
Ngoài ra, các tỉnh miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam cũng sẽ có các khu công nghiệp mới được phát triển bởi các chủ đầu tư chuyên nghiệp, hỗ trợ sự phát triển của các thị trường công nghiệp mới nổi này.
“2025 được dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu tiếp tục biến động. Song song đó, Chính phủ đang trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và triển khai thực hiện các luật mới. Động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, nguồn vốn FDI, cũng như việc tích cực triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư… kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng trong giai đoạn phát triển tới”, ông Hiếu nói.