Đấu tranh ngăn chặn gian lận hóa đơn, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian gần đây, tình trạng rao bán hóa đơn trái phép trên không gian mạng vẫn diễn ra công khai với chiều hướng ngày càng phức tạp. Đặc biệt, lợi dụng sự tiện lợi của không gian mạng, các cá nhân và tổ chức vẫn công khai quảng bá dịch vụ mua bán hóa đơn, nhằm trục lợi bất chính, làm thất thu ngân sách nhà nước, phá vỡ sự lành mạnh của môi trường kinh doanh. Tổng cục Thuế liên tiếp chỉ đạo cơ quan thuế các cấp quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn.
Nhiều vụ án liên quan đến hóa đơn bị triệt phá
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế trực tiếp khai, trực tiếp nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật; doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ khi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế đã có và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử mua vào, bán ra cùng các thông tin khác của người nộp thuế để xây dựng công cụ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ phân loại, nhận diện người nộp thuế có rủi ro về thuế, hóa đơn, kịp thời đưa ra cảnh báo để có biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Kêu gọi người nộp thuế chấp hành tốt
Để đẩy lùi tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, Tổng cục Thuế kêu gọi và mong muốn người dân, người nộp thuế chấp hành tốt chế độ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời thông tin đến cơ quan thuế và cơ quan chức năng những dấu hiệu mua, bán hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra hoặc điều tra và xử lý nếu có vi phạm.
Với sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác, nhiều vụ việc mua bán hóa đơn đã được triệt phá. Điển hình gần đây nhất ngày 25/11 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh, Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Ngoài hệ thống kế toán thuế công khai để nộp ngân sách, ba công ty trên còn lập hệ thống sổ sách nội bộ, theo dõi thu, chi thực tế; mua bán hóa đơn, làm giảm tiền thuế phải nộp, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 743 tỷ đồng.
Hay như trước đó, ngày 18/1, Công an quận 10, TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá trên 1.200 tỷ đồng, với 5 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, và còn nhiều vụ án khác đã được cơ quan công an triệt phá.
Đã có rất nhiều vụ án mua bán hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước bị phát hiện và nhiều đối tượng phạm tội mua bán hóa đơn đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, dường như các bản án không làm cảnh tỉnh được các đối tượng vi phạm pháp luật về hóa đơn, mà tình trạng mua bán và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn vẫn diễn ra với chiều hướng ngày càng phức tạp, giá trị về tiền và số lượng hóa đơn vụ án sau luôn lớn hơn các vụ án trước.
Dùng giải pháp công nghệ ngăn chặn gian lận, mua bán hóa đơn
Để ngăn chặn tình trạng rao bán hóa đơn trái phép trên không gian mạng, mới đây nhất, ngày 15/11, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 5255/TCT-TTKT tăng cường ngăn chặn, phòng, chống gian lận hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế chỉ đạo, tiếp tục tăng cường các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn những trường hợp gian lận, mua bán hóa đơn không hợp pháp, hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa chi phí đầu vào, trốn thuế, trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng từ ngân sách nhà nước.
Cùng đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng các cục thuế cần quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ công chức để thực hiện rà soát, đối chiếu theo danh sách các doanh nghiệp có những nội dung phát sinh về hóa đơn, về kê khai thuế có nghi vấn rủi ro được các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế và cơ quan thuế địa phương hỗ trợ kết xuất. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra nếu xác định có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra ngay tại cơ quan thuế, hoặc bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các địa phương tổ chức đánh giá rủi ro, xây dựng và thực hiện chuyên đề thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp phát sinh giao dịch với hộ kinh doanh sử dụng nhiều hóa đơn. Việc triển khai đánh giá, kiểm tra cần thực hiện thống nhất trong toàn cục thuế để đảm bảo xử lý công việc được triệt để. Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện doanh nghiệp có hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền thuế thì kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 24/10, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Công văn số 4786/TCT-TTKT yêu cầu các cục thuế địa phương thực hiện biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng rao bán hóa đơn bất hợp pháp trên không gian mạng, đồng thời đẩy mạnh giám sát và tuyên truyền trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân để phòng ngừa vi phạm.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế./.
Phạt tù đến 7 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn khi bị xử lý hình sự
Thông tin về chế tài xử lý đối với hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp cấu thành tội trốn thuế, đối tượng sẽ bị truy tố, xét xử về tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, nếu là cá nhân bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 4 khung phạt chính là: phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Đối với hành vi mua, bán trái phép hóa đơn cấu thành tội mua, bán trái phép hóa đơn, đối tượng sẽ bị truy tố, xét xử về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu là cá nhân bị xét xử với 2 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 2 khung phạt chính là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 - 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm./.