Chống tham nhũng không ngừng nghỉ

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Ngày 26-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2024 và một số báo cáo khác.

Xử lý hàng ngàn vụ án

Trình bày báo cáo công tác PCTN năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết công tác PCTN, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo.

Trong năm 2024, công tác này đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao. Nổi bật là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm. Một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước được xử lý nghiêm minh.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó đã đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can. VKSND các cấp thụ lý giải quyết 1.186 vụ với 3.869 bị can, trong đó đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can. TAND các cấp giải quyết sơ thẩm 1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng, trong đó đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo... Tổng số vụ việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 vụ, trong đó 10.944 vụ việc có điều kiện thi hành, 9.211 vụ việc thi hành xong.

Dù đánh giá cao kết quả đạt được nhưng cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng chưa chuyển biến. Còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đề nghị Chính phủ cần nhận diện đầy đủ những hạn chế, xác định rõ nguyên nhân chủ yếu để trên cơ sở đó đề ra giải pháp đột phá về PCTN.

Đối với báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá việc phát hiện xử lý vi phạm và tội phạm đạt nhiều kết quả, tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%. "Kết quả này cho thấy công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" - bà Nga nhấn mạnh.

Lo ngại tội phạm trẻ hóa

Thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, các đại biểu (ĐB) QH cơ bản đồng tình và tán thành với nhiều kết quả đạt được.

Góp ý thêm, ĐB Dương Khắc Mai Toàn (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng đáng lo ngại, đó là tội phạm chưa thành niên gia tăng, trong đó nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên. Từ đó, ông Toàn đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn về tình hình này và có những giải pháp đồng bộ, toàn diện.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng đây là thực trạng rất đáng lo ngại bởi có rất nhiều vụ án do người chưa thành niên gây ra, hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Nữ ĐBQH này đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt, căn cơ để ngăn chặn và phòng ngừa.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: HỒ LONG

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: HỒ LONG

Trong khi đó, ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) bày tỏ lo lắng trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. ĐB tỉnh An Giang dẫn ví dụ như kênh YouTube của Quang Linh Vlog đã bị chiếm đoạt, hay một công nghệ mới là sử dụng công nghệ Deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân hoặc cơ quan chức năng để tấn công, lừa đảo người sử dụng.

Đại biểu Trình Lam Sinh bày tỏ lo ngại trước tình hình gia tăng tội phạm công nghệ cao, tội phạm chưa thành niên. Ảnh: HỒ LONG

Đại biểu Trình Lam Sinh bày tỏ lo ngại trước tình hình gia tăng tội phạm công nghệ cao, tội phạm chưa thành niên. Ảnh: HỒ LONG

Nhấn mạnh đây là vấn đề rất nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và trật tự an toàn xã hội, ĐB Sinh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết. Đồng thời cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.

Dự kiến hôm nay, 27-11, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). QH cũng sẽ biểu quyết thông qua các Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết của QH về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Từ 16 giờ 45 phút, QH họp riêng về công tác nhân sự.

Tăng ngưỡng doanh thu tính thuế GTGT đối với cá nhân

Chiều 27-11, với đa số ĐB có mặt biểu quyết tán thành, QH đã thông qua các Luật: Công chứng (sửa đổi); Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.

Trong đó, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) quy định từ ngày 1-1-2026, ngưỡng doanh thu tính thuế GTGT với cá nhân, hộ kinh doanh là 200 triệu đồng/năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành. Luật cũng quy định từ ngày 1-7-2025, mặt hàng phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang áp thuế suất 5%.

Tích cực xử lý tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐB nêu về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Đại tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã và đang tích cực tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp liên quan đến chuyển giao người bị kết án tù và dẫn độ tội phạm. Căn cứ theo từng nước, Bộ Công an đang thực hiện từng bước đối với công tác này. Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt và xử lý dẫn độ những đối tượng lẩn trốn ở nước ngoài. "Đã có những quốc gia trước đây chưa từng hợp tác về dẫn độ nhưng nay đã bắt đầu phối hợp để đưa các đối tượng phạm tội về Việt Nam xử lý theo pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm" - Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhìn nhận tình trạng thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó là hệ lụy tích tụ từ nhiều năm do mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là do dòng văn hóa phẩm ngoại lai không được kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Một trong những biểu hiện của việc này đó là tội phạm, nhất là tội phạm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, các hành vi vi phạm pháp luật bắt chước người nổi tiếng lan truyền trên mạng tiếp tục có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.

Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, sự chủ động, phối hợp hiệp đồng của các bộ, ngành, địa phương.

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chong-tham-nhung-khong-ngung-nghi-19624112621081563.htm
Zalo