Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)

Chiều 26/11, với 450/453 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Chính phủ quy định danh mục đơn vị hành chính được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân

Luật Công chứng (sửa đổi) có 8 chương và 76 điều, giảm 2 chương và 3 điều so với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 8.

Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Trong đó, về văn phòng công chứng, Luật quy định, văn phòng công chứng được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

Tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của văn phòng công chứng. Trưởng văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 39), qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo Luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Tại văn bản số 777/CP-PL, Chính phủ đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như Dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp thứ 8 (kế thừa Luật Công chứng hiện hành).

Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội cũng như bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng và công chứng viên trong hành nghề công chứng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực tiễn thời gian qua các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà Chính phủ nêu tại văn bản số 777/CP-PL là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện Luật. Chính phủ cần có giải pháp khắc phục để tăng cường hiệu quả thực thi quy định này trong thực tiễn.

Quy định như Dự thảo Luật cũng bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng Phiếu xin ý kiến (qua App) về nội dung này, có 324 đại biểu cho ý kiến.

Theo đó, có 245 đại biểu (chiếm 51,15% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Có 77 đại biểu Quốc hội (chiếm 16,08% tổng số đại biểu Quốc hội) đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.

Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc như thể hiện tại Điều 39 của Dự thảo Luật - ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-cong-chung-sua-doi-36599.html
Zalo