Đấu thầu công khai, cạnh tranh tài trợ khoa học để có sản phẩm KHCN có tính ứng dụng cao
Việc đặt hàng và tài trợ nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần phải xác định rõ hình thức áp dụng phù hợp.
LTS: Lâu nay, Nhà nước chi đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) trung bình khoảng trên dưới 1% ngân sách, tương đương khoảng chục nghìn tỷ mỗi năm. Khoản đầu tư này dù chưa lớn, nhưng nhiều năm không tiêu hết. Hậu quả là việc đầu tư cho KHCN không hiệu quả.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP (khoảng hơn 9 tỷ USD), trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% (khoảng hơn 3 tỷ USD) tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Vậy cơ chế đầu tư và cách thức đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả và sinh lời cho đất nước?
Từ thực tế đầu tư cho nghiên cứu KHCN hiện nay, VietTimes triển khai loạt bài "Hàng tỷ USD đầu tư cho khoa học công nghệ thế nào cho hiệu quả?" nhằm tìm câu trả lời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra, dành nguồn tiền thích đáng để đầu tư cho nghiên cứu KHCN, từ đó KHCN là “chìa khóa vàng” để phát triển thịnh vượng.
Bài 1: Bức tranh tối màu về đầu tư cho khoa học công nghệ
Bài 2: Cần đổi mới cách chi tiền cho nghiên cứu khoa học
Bài 3: Giải pháp tạo đột phá trong thanh quyết toán dự án nghiên cứu khoa học công nghệ
Để thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm KHCN có tính ứng dụng cao phải dựa trên đấu thầu công khai hay cạnh tranh tài trợ khoa học thường niên, để vừa thu hút, quy tụ nguồn lực chất xám và tài năng sáng tạo từ khắp nơi, vừa tránh đặc quyền đặc lợi, giảm thiểu tiêu cực trong phân bổ kinh phí nghiên cứu. VietTimes trò chuyện với GS.TS Nguyễn Đức An – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu tại ĐH Bournemouth (Anh), kiêm Chủ tịch hội đồng Viện Truyền thông, Văn hóa và Xã hội tại ĐH Văn Lang, chung quanh vấn đề này.

- Đặt hàng là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ có tính ứng dụng cao. Theo GS thì các hình thức đặt hàng nên áp dụng trong những trường hợp cụ thể nào?
- Theo tôi, việc Nhà nước chủ động đặt hàng trực tiếp chỉ nên áp dụng cho dự án nghiên cứu trọng điểm, mang tính chiến lược, hoặc các đề tài có độ nhạy cảm hoặc độ cấp thiết cao (như các nghiên cứu y khoa về COVID-19 chẳng hạn). Trong những trường hợp đó, việc đặt hàng trực tiếp với các tổ chức nghiên cứu đã có bề dày là việc phải làm, để bảo đảm bí mật, hay giảm thiểu thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, để xây dựng một nền khoa học công nghệ quốc gia vững mạnh, phải dựa trên các phương thức huy động toàn xã hội. Đặt hàng trực tiếp là phương thức một chiều từ trên xuống: Nhà nước xác định nhu cầu, rồi đi tìm thuê người thực thi để giải quyết nhu cầu đó. Nhưng Nhà nước không bao giờ đủ sức để nhìn thấy mọi nhu cầu, cơ hội nghiên cứu được.

Trong phần lớn các trường hợp, tôi thấy phải vận hành theo chiều ngược lại: nhu cầu khởi phát từ dưới lên, tức từ thực tiễn đời sống, kinh doanh, sản xuất…, được các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng nhận diện và tìm đến giới khoa học để giải quyết. Nhà nước, thông qua các hội đồng và quỹ tài trợ nghiên cứu, chủ yếu đóng vai trò “bà đỡ”, vừa làm cầu nối giữa xã hội và giới khoa học, vừa tổ chức xét chọn và trợ cấp cho các ý tưởng và dự án tốt mà các kết nối đó mang lại.
Tất cả phải dựa trên đấu thầu công khai hay cạnh tranh tài trợ khoa học thường niên, để vừa thu hút, quy tụ nguồn lực chất xám và tài năng sáng tạo từ khắp nơi, vừa tránh đặc quyền đặc lợi, giảm thiểu tiêu cực trong phân bổ kinh phí nghiên cứu. Các hội đồng nghiên cứu quốc gia ở các cường quốc khoa học- như UKRI ở Anh, NSF ở Mỹ hay ARC ở Úc- làm rất mạnh những việc này.
Nhà nước phân bổ ngân sách để họ tổ chức các cuộc cạnh tranh tài trợ rất minh bạch, chặt chẽ, có phần khắc nghiệt. Đôi khi tỉ lệ thành công chỉ trên 10% - tức 10 đề án nộp thì chỉ có một được tài trợ.
- Nhà nước cần quy định tiêu chí như thế nào để lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhận đặt hàng nghiên cứu khoa học và công nghệ?
- Cái này, theo tôi, không phải là câu chuyện dựa theo cá nhân, tổ chức mà là dựa trên từng đề án. Ở ta vẫn còn thói quen đánh giá khoa học mang tính phỏng đoán theo kinh nghiệm (heuristics), chạy theo những chỉ dấu bề ngoài như học hàm, học vị, tên tuổi trường, viện… mà xao lãng nội dung và chất lượng của đề án đang được xét duyệt. Làm như thế không chỉ gây bất bình đẳng mà còn lãng phí nguồn lực khoa học.
Một giáo sư chưa hẳn lúc nào cũng có những đề xuất tài trợ nghiên cứu tốt hơn một nhà nghiên cứu trẻ mới khởi nghiệp (đôi lúc ngược lại, nhất là trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ mới mẻ). Tương tự, không phải cứ là trường, viện lớn là đủ năng lực, đủ điều kiện để thực hiện mọi nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan.
Dĩ nhiên, khi thẩm định một đề án, sẽ có tiêu chí liên quan đến nhóm thực hiện đề tài, nhưng đó chỉ là một yếu tố đánh giá. Tính mới, tính độc đáo, tính khả thi, sự phức tạp phương pháp tiếp cận vấn đề, độ khả dụng, giá trị kinh tế, tác động xã hội… của đề án mới là những yếu tố quyết định.
Nhà nước cũng không nên áp đặt các tiêu chí chọn đề án, mà phải mạnh dạn trao quyền cho giới chuyên môn để họ tự xác định tiêu chí và thực hiện việc đánh giá các đề án nghiên cứu thông qua quá trình bình duyệt đặc thù trong thẩm định khoa học (peer-review).
Các quỹ/hội đồng tài trợ sẽ thay mặt Nhà nước tập hợp chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để thực hiện việc bình duyệt, phản biện và cho điểm các đề xuất tài trợ nghiên cứu, theo các tiêu chí phù hợp với chuyên ngành mà họ phụ trách.
Cái Nhà nước cần làm là rót vốn đầu tư đều đặn, cũng như tạo hành lang pháp lý và hạ tầng hỗ trợ thông thoáng và minh bạch. Môi trường đó nhằm bảo đảm sự cạnh tranh đa dạng và công bằng, theo các nguyên lý vận hành của “thị trường ý tưởng tự do” (free marketplace of ideas), vốn là một nền tảng triết lý làm nên xã hội hiện đại.

- Có nên khuyến khích hình thức hợp tác công – tư để giảm rủi ro đầu tư và tối đa hóa hiệu quả?
- Hợp tác công tư (Public-Private Partnership- PPP) là một phương thức hiệu quả cần được nhân rộng, để các trường, viện nghiên cứu công lập cùng đầu tư, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng sáng tạo, cùng chịu rủi ro và cùng thụ hưởng thành quả với các tác nhân kinh tế xã hội ngoài khu vực nhà nước.
Chúng ta có thể thấy điều này qua rất nhiều thành quả nghiên cứu quan trọng trên thế giới, nhất là trong các lĩnh vực y sinh (đặc biệt là dược phẩm), không gian và năng lượng tái tạo.
PPP giúp thu hẹp khoảng cách, kết hợp nguồn lực tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm giữa các tổ chức nghiên cứu công lập và doanh nghiệp tư thục để thực hiện những dự án lớn, tham vọng mà nếu chỉ có một bên thì không làm được. Nó cũng giúp giảm thiểu rủi ro vì tận dụng được sự nhạy bén thị trường, kinh nghiệm làm ăn, khả năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, PPP cũng sẽ giúp tăng tốc đổi mới sáng tạo, làm nên các sản phẩm cấp thiết cho nhân sinh. Nếu không có PPP, thế giới sẽ không chế vắc xin ngừa COVID-19 nhanh chóng như trong đại dịch vừa rồi.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là phải nhìn sự phối hợp công- tư trong tổng thể quốc gia và toàn cầu để đề ra chiến lược.
Cần xây dựng một hệ sinh thái đa phương, đa thành phần và đa khu vực thì mới có thể ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả cho các mục đích phát triển.
Một hệ sinh thái như thế không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu mà cả các bộ phận nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp và tập đoàn, các ngân hàng, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ trong và ngoài nước, các tổ chức thẩm định chất lượng độc lập, các dịch vụ xúc tiến giao dịch và hợp tác khoa học…

- Theo kinh nghiệm của một người từng tham gia nhiều dự án khoa học, GS có thể cho biết cần xây dựng quy trình đặt hàng và thẩm định dự án như thế nào để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Cần có những bước kiểm duyệt và kiểm soát chất lượng cụ thể nào từ khi bắt đầu đến khi nghiệm thu?
- Như đã nói, việc thẩm định và quyết định tài trợ dự án đều nên lấy nền tảng là quy trình bình duyệt chuyên môn kín đặc trưng của khoa học.
Sau khi nhận đề cương, một tác nhân trung gian (thường là các hội đồng/quỹ tài trợ nghiên cứu thay mặt chủ đầu tư nhà nước), sẽ tìm các chuyên gia thích hợp phản biện kín về đề tài theo phương thức vô danh (tác giả đề án không biết ai đang bình duyệt và các chuyên gia bình duyệt cũng không biết nhau).
Muốn xoáy mạnh vào khả năng ứng dụng của đề án thì có thể mời các chuyên gia thẩm định đầu tư tài chính, tiềm năng kinh doanh, mức độ rủi ro… bên cạnh các nhà khoa học chuyên ngành hẹp. Hội đồng thẩm định cuối cùng sẽ dựa trên những kết quả bình duyệt kín đó, cùng với đánh giá riêng của mình, để cân nhắc và quyết định có tài trợ đề tài hay không.
Khi dự án đã đi vào vận hành thì nhà tài trợ cần phải đứng sang một bên để nhóm dự án tự chủ làm việc theo chuyên môn, theo các hạng mục và khung thời gian đã định. Họ cần quan sát và theo dõi tiến độ nhưng không nên can thiệp hành chính để kiểm soát này nọ.
Ở Anh, khi nhận tài trợ nghiên cứu, tôi thường chỉ làm báo cáo tiến độ hằng năm (đôi khi sáu tháng). Cuối dự án thì làm báo cáo tổng thể, được gì hay chưa được gì theo thiết kế ban đầu, được gì ngoài dự kiến, va chạm những khó khăn hay gặp những thuận lợi gì, định hướng các bước tiếp theo là gì…
Một việc quan trọng trong cả quy trình từ thẩm định đến nghiệm thu đề tài là phải biết chấp nhận rủi ro. Rất nhiều dự án sẽ không đi đúng 100% như thiết kế và tiến độ đề ra ban đầu. Lý do là nghiên cứu luôn đi kèm nhiều yếu tố khó định trước; thiết kế trên giấy tờ có đẹp, có hay đến mấy thì vẫn có thể lệch với thực tế.
Có hàng tá lý do: do các kết quả nghiên cứu khác với mong đợi ban đầu, do thiết kế ban đầu không giúp giải quyết được vấn đề cần giải quyết, đòi hỏi cách tiếp cận mới, hoặc đôi khi đơn giản chỉ là do trục trặc và trì hoãn trong thủ tục hành chính và giao dịch tài chính…

Nói cách khác, khi đầu tư lớn cho nghiên cứu, đừng vội vã đòi hỏi thành quả ngay, cần chấp nhận mức độ rủi ro nhất định và vận hành với mức độ linh động theo sự chấp nhận đó. Không phải tôi hứa tạo giải pháp/công nghệ A thì tôi phải làm ra A mới được nghiệm thu. Tư duy máy móc kiểu này vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, dễ gây ra những sự thất vọng không đáng khi thẩm định.
- Nói thế thì làm sao có thể bảo đảm nghiên cứu tạo ra những sản phẩm ứng dụng ngay được, tránh những nghiên cứu bỏ vào ngăn kéo, thưa ông?
- Tôi nghĩ phải quay về với bản chất khoa học: đó là một quá trình tích lũy tri thức qua thời gian và không gian: mọi nghiên cứu, cho dù có ra thành phẩm mong đợi hay không, cũng đều đóng góp vào tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu, làm nền cho những dự án mới hoàn chỉnh hơn.
Ngay cả khi một nghiên cứu riêng lẻ tạo ra một sản phẩm/giải pháp ứng dụng được, nó cũng cần được lặp lại nhiều lần, ở nhiều nơi và nhiều thời điểm trước khi chúng ta có thể đi đến kết luận cuối cùng về quy mô khả dụng của nó.
Trước khi công nghệ mNRA được sử dụng để sáng chế ra vắc xin ngừa COVID-19 (và các bệnh nguy hiểm khác như ung thư), giới khoa học công và tư đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào nghiên cứu và phát triển nó từ những năm 1980, với không biết bao nhiêu thất bại.
Hoặc trong thử nghiệm công nghệ không gian, người ta bỏ hàng trăm triệu đô la và hàng chục năm làm hỏa tiễn, phi thuyền, chỉ để nó nổ tung chỉ vài phút hoặc vài giây sau khi được phóng vào quỹ đạo. Nhưng chính những thất bại đó mới là nền tảng cho những thành tựu khoa học công nghệ phi thường.
Sẵn tiện, tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề cơ bản khác: vai trò bổ trợ giữa nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản là để tạo ra tri thức khoa học, còn nghiên cứu ứng dụng là biến các tri thức khoa học sẵn có thành sản phẩm cụ thể để phục vụ cho các mục đích thực tiễn.
Cả hai lĩnh vực này đều cần cơ chế tài trợ mạnh, như hai cánh chim cùng nhịp đập cho nền khoa học công nghệ quốc gia bay cao và bay xa.
Sản phẩm nghiên cứu cơ bản có thể không mang lại ngay giá trị thực tiễn nhưng không xây dựng nền tảng đó thì không bao giờ có thể có những ứng dụng khoa học công nghệ sáng tạo, bền vững và có tầm ảnh hưởng lớn.
Các cường quốc khoa học rất nỗ lực để cân bằng đầu tư giữa hai mảng này thông qua việc thúc đẩy liên kết giữa các trường, viện nghiên cứu, các tổ chức tài trợ, doanh nghiệp, tập đoàn…

- Theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ chính trị thì để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển, Việt Nam sẽ lập Viện quốc gia về tiêu chuẩn kiểm định các nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giásản phẩm và dịch vụ. Nhưng làm thế nào để đảm bảo các hội đồng chuyên môn thẩm định sản phẩm khoa học làm việc khách quan, tránh xung đột lợi ích?
- Việc tạo ra hệ thống tiêu chuẩn chung để thẩm định khoa học và sản phẩm khoa học là cần thiết, nhưng tôi nghĩ nó phải là sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chứ không phải chỉ một cơ quan duy nhất.
Riêng việc tránh xung đột lợi ích, tôi nghĩ không có thuốc gì tốt và bền hơn là xây dựng một nền khoa học dựa trên trách nhiệm xã hội và đạo đức chuyên nghiệp.
Như đã nói, thẩm định dự án khoa học nên dựa trên bình duyệt kín bởi các chuyên gia độc lập. Bình duyệt kín không phải là hoàn hảo - trên thực tế là nó có rất nhiều điểm yếu đã và đang bị lạm dụng thô thiển nhưng cho đến nay nó vẫn là công cụ hữu hiệu nhất trong đánh giá khoa học, từ xuất bản học thuật đến thẩm định dự án. Nhờ có bình duyệt kín nên khoa học mới có tính chính danh, có thể tự trị về chuyên môn.
Nhưng hữu hiệu đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào việc người bình duyệt công tâm và lòng tự trọng đến mức nào, có tinh thần trách nhiệm với nghề, với xã hội đến mức nào.
Ở các quốc gia có nền khoa học mạnh, trách nhiệm và đạo đức ấy được bồi đắp từ đời này sang đời khác, được hun đúc và mài dũa ngay từ khi nhà khoa học còn là sinh viên học phương pháp nghiên cứu.
Tuy dựa trên sự tự giác và lòng tự trọng chuyên nghiệp là trên hết, nhưng thường cũng sẽ có các quy chế vừa khuyến khích, vừa bắt buộc nhà khoa học hành xử đúng chuẩn mực.
Ở các trường đại học Âu-Mỹ, khi đã vào biên chế, một nhà khoa học thường khó bị sa thải, trừ hai trường hợp: hoặc trường/khoa nơi người đó giải thể hoặc tái cấu trúc, hoặc người đó vi phạm đạo đức học thuật (misconduct).
Ở Việt Nam, gần đây mới bắt đầu để ý đến việc này, dưới khái niệm liêm chính khoa học, nhưng vẫn chỉ mới tập trung vào các vụ bê bối trong xuất bản học thuật. Một trường lớn như ĐH Quốc gia TP. HCM cũng chỉ mới ban hành một quy chế liêm chính khoa học vào hôm 26/1/2025 vừa rồi. Dù sao đó cũng là một bước đi rất đáng mừng. Tôi đọc qua các quy định này, thấy họ đi sâu vào rất nhiều ngõ ngách, khía cạnh đạo đức khoa học chi tiết.
- Xin cảm ơn GS!
