Dấu son Diệp Lang
NSND Diệp Lang vốn là một 'cây đa cây đề' trong làng cải lương miền Nam. Nhiều tác phẩm với những nhân vật thủ diễn hết sức xuất sắc mà ông để lại cho đời đã trở thành dấu son của nghệ thuật cải lương.
Rong ruổi theo đoàn hát
Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, quê gốc ở xã Bình Tiên, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Năm mới lên 8 tuổi, ông đã cùng cha là thầy đờn Ba Diệp theo đoàn cải lương Tam Phụng. Do không muốn con trai nối nghiệp đàn, bởi nhạc công chỉ được đứng phía sau sân khấu, ông Ba Diệp bèn tìm thầy dạy hát cho con trai. Sau đó, Diệp Lang được tham gia đóng những vai nhỏ, khởi đầu “sự nghiệp” là tại đoàn hát Kim Thoa.
Khoảng đầu những năm 1950, đoàn hát Kim Thoa trình diễn vở “Lấp sông Gianh” ở rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân, quận 1, TPHCM ngày nay). Vở cải lương này mang thông điệp nói lên mong muốn thống nhất đất nước của người dân hai miền Nam - Bắc. Thế nhưng lúc vở tuồng đang diễn được nửa chừng thì một sự cố xảy ra, nhưng may thay hai cha con Diệp Lang vẫn bình an.
Hơn 1 năm sau, đoàn hát Kim Thoa giải tán. Hai cha con Diệp Lang đành dắt díu nhau gia nhập vào đoàn Việt Hùng - Minh Chí. Thời gian ngắn sau đó ông Ba Diệp mắc bệnh nan y phải về quê nhà chạy chữa. Còn lại một mình, Diệp Lang tiếp tục rong ruổi theo đoàn hát. Ngày người cha qua đời, Diệp Lang đang lưu diễn xa cùng đoàn Phụng Hảo - Ba Vân nên cả nhà cũng không ai biết ông hiện đang ở đâu để báo tin.
Năm 18 tuổi, Diệp Lang cộng tác cùng đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ (Long An) và được soạn giả kiêm ông bầu gánh hát Phước (tức Nguyễn Huỳnh, cũng là bạn thân của ông Ba Diệp) giao cho thế vai nam chính đầu tiên Hoàng tử trong vở “Chiếc nhẫn kim cương” vì anh kép chánh đột ngột xin bỏ tuồng. Nghệ danh Diệp Lang cũng ra đời ngay thời điểm này do ông bầu Phước đặt cho (với ý nghĩa Diệp là tên người cha và Lang là tên gọi thường ngày của ông).
Đầu năm 1962, Diệp Lang được mời gia nhập đoàn Kim Chưởng với vai kép độc đầu tiên là Thống tướng Bát Kỳ Lộ trong vở “Hai chiều ly biệt” (soạn giả Phong Anh - Thu An).
Sau vai diễn này, ông được các bầu gánh tin tưởng giao liên tiếp nhiều vai kép tính cách, kép độc khác (cũng là một trong những loại vai khó ăn và dễ bị ghét của sân khấu cải lương) nhưng ông đều thể hiện rất thành công và tròn vai ông Hội đồng Dư (vở “Tiếng hò sông Hậu”), ông Hội đồng Thăng (vở “Đời cô Lựu”), Lê Quý (vở “Tâm sự Ngọc Hân”), cha của Thúy Liễu (vở “Lan và Điệp”), A Khắc Lữ (vở “Người tình trên chiến trận”), Chu Thiên Cát (vở “Máu nhuộm sân chùa”), Chu Thiên Mã (vở “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”), Trung sĩ Tám (vở “Tìm lại cuộc đời”), Lê Xuân Giác (vở “Tiếng sóng Rạch Gầm”), ông Hai (vở “Đàn ca tri kỷ”), cha của The/Hương (vở “Nửa đời hương phấn”), cha của Nguyệt (vở “Tô Ánh Nguyệt”)…
Cũng trong năm 1962, khi Diệp Lang mới 21 tuổi được soạn giả Thu An giao diễn vai kép lão 70 tuổi trong vở “Người anh khác mẹ”. Khó ai ngờ chính thử thách này lại mang về cho ông dấu ấn vàng son trong sự nghiệp khi đạt giải Thanh Tâm (1963), cùng lúc với các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài.
Sau năm 1975, Diệp Lang gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn 2, được cử đi lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng đang có chiến sự ở thời điểm này như tại Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479… Tiếp đó ông được cử làm trưởng Đoàn hát 284. Thời gian hoạt động tại đoàn, ông vừa làm quản lý, vừa làm công tác chuyên môn. Cũng giai đoạn này, đoàn 284 có nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài, trong đó có chuyến lưu diễn ghi nhiều dấu ấn tại Cộng hòa Pháp với vở “Đời cô Lựu” cùng các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tòng…
Đau đáu với sân khấu
Ở thời tái thịnh hành của sân khấu cải lương (thập niên 1990), Diệp Lang được xem là gương mặt hết sức quen thuộc với khán giả sân khấu và truyền hình, thế nhưng bước sang thập niên 2000 thì ông phải bước vào một cuộc chiến đấu khác đối phó cùng… bệnh tật. Năm 2005, Diệp Lang đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh tại Bệnh viện tim Sài Gòn, từ đó sức khỏe yếu nhiều nên ông quyết định ngừng đi hát. Cuối năm 2009, nghe theo lời khuyên của các con, Diệp Lang sang Hoa Kỳ định cư với mục đích nhằm tiếp tục điều trị bệnh.
Khoảng năm 2014, Diệp Lang có về nước một đôi lần để thăm viếng lại bà con láng giềng thân thuộc và xem ra lúc nào ông cũng đau đáu nhớ về sân khấu ở trong nước. Lúc này ông vẫn tâm sự: “Có nhiều đêm ở xứ người tôi nằm mơ thấy mình vẫn còn đi hát. Tới khi giật mình tỉnh giấc lại tưởng đâu đang hát sai tuồng. Tôi vui nhất khi nghe những tiếng vỗ tay rào rào của khán giả và buồn nhất khi tấm màn nhung sân khấu đã tạm khép lại. Thật lòng lúc nào tôi cũng quay quắt nhung nhớ và mong muốn được trở về nhưng sức khỏe không cho phép”.
Thời gian sau này, sức khỏe của NSND Diệp Lang càng sa sút. Ông mắc cùng lúc nhiều chứng bệnh: bệnh tim, bệnh vôi hóa mạch máu nên phải uống thuốc hàng ngày. Chứng parkinson khiến tay, chân ông run rẩy rồi chứng Alzheimer khiến ông lúc nhớ lúc quên. Dẫu vậy mỗi lúc có ai đó thử nhắc về các vở tuồng, vai diễn ông lại nhớ khá rõ. Thậm chí ông còn nói chuyện với những người thân và bạn bè đồng nghiệp khi họ tìm tới thăm mình, rằng ông luôn rất tâm đắc lời dạy của nghệ sĩ lão thành Năm Châu: “Một khi đã ra đứng trước sân khấu thì phải diễn, nhưng đừng diễn”. Ông giải thích câu nói này: “Khi ta xuất hiện trên sân khấu là phải diễn chứ, bởi đó là tuồng hát chứ không phải cuộc đời. Nhưng cái khó là người nghệ sĩ cần phải diễn xuất chân thật như thế nào để cho người xem không còn nhận ra ta đang diễn mà đó là sự thật cuộc đời. Tức là diễn xuất phải tự nhiên, phải chân thật, phải làm sao cho cuộc đời sân khấu và sân khấu cuộc đời cùng hòa quyện vào nhau làm một.”
Hơn 50 năm hoạt động trên lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, Diệp Lang đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý: Năm 1993 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và đến năm 2003 là danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, cùng các giải thưởng sự nghiệp như: Huy chương vàng và giải Mai Vàng (năm 2000), Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu (năm 2000), giải Mai Vàng (năm 2001)... Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, NSND Diệp Lang đã qua đời ở tuổi 82 vào ngày 11/3/2023, tại San Diego, miền Nam California, Hoa Kỳ. Ông đã về với cõi mênh mông nhưng làng sân khấu và khán giả vẫn mãi nhớ về ông với những vai diễn để đời làm nên tên tuổi Diệp Lang - dấu son của nghệ thuật cải lương.