Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 5-11/5/2025: Mỹ và Trung Quốc khởi động đàm phán, Fed thận trọng về lãi suất

Cuộc chiến thương mại toàn cầu đã có những chuyển biến tích cực trong tuần qua, khi Mỹ đạt thỏa thuận với Anh và bắt đầu đàm phán với Trung Quốc...

Các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc rời địa điểm diễn ra cuộc gặp với các quan chức Mỹ ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 10/5/2025- - Ảnh: Reuters.

Các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc rời địa điểm diễn ra cuộc gặp với các quan chức Mỹ ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 10/5/2025- - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, những tác động tiềm ẩn của thương chiến tiếp tục đặt ra thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, với Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định hạ lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm thận trọng.

Dưới đây là một số thông tin kinh tế thế giới chính trong tuần từ ngày 5 đến ngày 11/5/2025 do VnEconomy điểm lại:

Mỹ - Trung bước vào đàm phán thương mại

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày thứ Bảy (10/5). Kéo dài khoảng 8h đồng hồ, cuộc gặp cho thấy hai nền kinh tế lớn đang nỗ lực xuống thang căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng cách đánh thuế 125% đối với hàng Mỹ. Theo các nguồn thạo tin, cuộc gặp sẽ tiếp tục trong ngày Chủ nhật và có thể kéo dài sang ngày thứ Hai (12/5).

Sau ngày họp đầu tiên, hai bên không đưa ra tuyên bố nào. Tuy nhiên, ông Trump đã bày tỏ sự lạc quan thông qua một bài đăng trên mạng xã hội nói rằng “Một cuộc gặp rất tối đẹp đã diễn ra ngày hôm nay với phía Trung Quốc, tại Thụy Sỹ. Nhiều thứ đã được thảo luận, nhiều thứ cũng đã được nhất trí”.

Mỹ - Anh đạt thỏa thuận thương mại

Anh là quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi ông Trump công bố thuế đối ứng vào đầu tháng 4. Theo thỏa thuận được công bố hôm 8/5, Anh có thể xuất khẩu 100.000 ô tô sang Mỹ mỗi năm ở thuế suất 10%, và bất kỳ số xe nào ngoài con số này sẽ bị áp thuế quan 25%. Các nhà sản xuất thép và nhôm của Anh có thể xuất khẩu phi thuế quan sang Mỹ, thay vì bị áp thuế suất 25% như thép và nhôm từ các quốc gia khác vào Mỹ.

Tuy nhiên, các hàng hóa khác mà Anh xuất khẩu sang Mỹ vẫn sẽ bị áp thuế 10% - thuế suất cơ sở của thuế đối ứng. Về phía Anh, nước này sẽ giảm thuế quan trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 5,1% xuống còn 1,8%. Trong đó, thuế quan với ethanol Mỹ giảm từ 19% còn 0%.

Sau khi thỏa thuận được công bố, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói với hãng tin Bloomberg rằng đàm phán giữa nước này với Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mất nhiều thời gian hơn với Anh, vì các nước kia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Anh là một trong số ít những quốc gia Mỹ có thặng dư thương mại hàng hóa.

Anh và Ấn Độ nhất trí thỏa thuận thương mại tự do

Ngoài thỏa thuận thương mại với Mỹ, Anh còn đạt một thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) với Ấn Độ trong tuần này. Theo nội dung thỏa thuận, New Dehli sẽ giảm dần thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Anh, tiến tới miễn thuế quan hoàn toàn với hầu hết mặt hàng trong vòng một thập kỷ tới. Về phần mình, Anh sẽ loại bỏ toàn bộ thuế quan với 99,1% hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ.

Fed giữ nguyên lãi suất, thận trọng về nới lỏng

Hôm thứ Tư (7/5), Fed ra tuyên bố giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,25-4,5%, một kết quả không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích về cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra trong hai ngày của ngân hàng trung ương này.

Tại một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ở thời điểm hiện tại, chưa rõ liệu nền kinh tế có thể tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng hay sẽ suy yếu dưới sức ép của sự bất định lớn và khả năng lạm phát tăng mạnh trở lại. Các kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất đã giảm mạnh sau tuyên bố của Fed và những phát biểu của ông Powell. Thị trường hiện cho rằng Fed sẽ đợt ít nhất tới tháng 7 năm nay mới nối lại việc giảm lãi suất.

Anh hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng

Nếu như Fed dường như đang lo nhiều hơn tới tác động của thuế quan đến lạm phát, BOE có vẻ quan ngại hơn về ảnh hưởng của thuế quan tới tăng trưởng kinh tế. Hôm 8/5, BOE hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu về mức 4,25%. Động thái này nằm ngoài dự báo trước đó của giới chuyên gia kinh tế.

Tuyên bố sau cuộc họp của BOE nói rằng việc Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới tăng thuế quan sẽ gây thiệt hại tăng trưởng kinh tế Anh và kéo lạm phát giảm xuống, nhưng cũng nhấn mạnh rằng triển vọng kinh tế còn khó đoán định. “Khoảng thời gian mấy tuần qua đã cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể diễn biến khó lường như thế nào. Đó là lý do vì sao chúng tôi cần duy trì cách tiếp cận từ tốn và cẩn trọng trong việc giảm lãi suất thời gian tới”, Thống đốc BOE Andrew Baily nói sau cuộc họp.

Trung Quốc công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế

Trước thềm khởi động đàm phán thương mại với Mỹ, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư (7/5), Thống đốc PBOC Phan Công Thắng tuyên bố sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,5% xuống 1,4%. Biện pháp này sẽ kéo lãi suất cơ bản (LPR) - lãi suất chính sách chính của PBOC - giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm, ông Phan cho hay.

Ngoài ra, PBOC cũng sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng nghĩa giải phóng lượng thanh khoản 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 138,6 tỷ USD trong hệ thống tài chính.

Việc đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cho thấy Bắc Kinh cảm nhận rõ sự cấp bách phải vực dậy nền kinh tế đang đương đầu với sức ép từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ, khủng hoảng bất động sản kéo dài và tiêu dùng ảm đạm.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo

Theo số liệu do Hải quan Trung Quốc đưa ra ngày thứ Sáu (9/5), xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2025 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024, vượt xa mức tăng 1,9% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực, các nhà sản xuất Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa, cả sang Mỹ và các thị trường khác, dẫn tới mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn dự báo trong tháng 3 và tháng 4.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á trong tháng 4 tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tốc từ mức tăng 11,6% trong tháng 3. Trái lại, xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc sang Mỹ giảm 21%, dẫn tới thặng dư thương mại của nước này với Mỹ giảm còn 20,5 tỷ USD từ mức 27,6 tỷ USD trong tháng 3.

Xe chở Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent rời địa điểm diễn ra đàm phán thương mại Mỹ - Trung ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 10/5 - Ảnh: Reuters.

Xe chở Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent rời địa điểm diễn ra đàm phán thương mại Mỹ - Trung ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 10/5 - Ảnh: Reuters.

Nhập khẩu hàng hóa của Mỹ lập kỷ lục

Doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh việc nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế quan có hiệu lực khiến kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 3 lớn chưa từng thấy. Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Ba (6/5) cho thấy nhập khẩu tháng 3 của nước này tăng 4,4%, đạt mức cao nhất mọi thời đại 419 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa tăng 5,4%, đạt mức cao kỷ lục 346,8 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Mỹ, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ, trong tháng 3 tăng 14% lên mức 140,5 tỷ USD - cũng là một con số kỷ lục.

Trung Quốc tiếp tục mua vàng dự trữ, giá vàng biến động mạnh

Số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố ngày 7/5 cho thấy dự trữ vàng mà cơ quan này nắm giữ tăng thêm khoảng 70.000 ounce trong tháng 4, đánh dấu tháng mua ròng vàng thứ 6 liên tiếp quốc gia tỷ dân. Trong vòng 6 tháng mua ròng, dự trữ vàng của PBOC tăng thêm gần 1 triệu ounce, tương đương khoảng 30 tấn vàng - theo hãng tin Bloomberg.

Xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương như PBOC tiếp tục là một yếu tố quan trọng hỗ trợ giá vàng, trong khi dấu hiệu dịu đi của căng thẳng thương mại lại khiến nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư giảm bớt. Sự tác động trái chiều này khiến giá vàng có một tuần biến động mạnh, có những phiên dao động trong phạm vi hàng trăm USD mỗi ounce. Cả tuần này, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng 2,6%.

Warren Buffett công bố người kế nhiệm điều hành Berkshire Hathaway

Tại đại hội cổ đông thường niên, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - 94 tuổi, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway - tuyên bố đây sẽ là cuộc họp cổ đông hàng năm cuối cùng của công ty mà ông tham gia ở cương vị người đứng đầu. Cùng với đó, ông Buffett thông báo sẽ trao lại quyền điều hành tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường 1,2 nghìn tỷ USD cho ông Greg Abel.

Được trao lại cương vị này, ông Abel - 62 tuổi - đối mặt nhiều câu hỏi lớn, bao gồm việc ông sẽ làm gì với khối tiền mặt gần 350 tỷ USD mà Berkshire đang nắm giữ ở thời điểm hiện tại.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dau-an-kinh-te-the-gioi-tuan-5-11-5-2025-my-va-trung-quoc-khoi-dong-dam-phan-fed-than-trong-ve-lai-suat.htm
Zalo