Nhận diện luận điệu sai trái, xuyên tạc Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong nhận thức về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của nước ta. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề trên, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra những luận điệu chống phá, xuyên tạc, bóp méo chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng phát triển kinh tế tư nhân là sự thất bại của kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở đường cho việc từ bỏ CNXH để đi theo CNTB tại Việt Nam.
Nhận diện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Những ngày qua, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định vai trò "động lực quan trọng nhất" của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trên nhiều diễn đàn mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối đã rêu rao rằng, Đảng ta đưa ra quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân lần này là bất nhất, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế có nghĩa “thừa nhận sự bóc lột, thừa nhận mối quan hệ sản xuất TBCN”, gây mâu thuẫn với quan điểm của Đảng trong các thời kỳ trước. Từ đó, các thế lực thù địch xuyên tạc kinh tế thị trường và định hướng XHCN khác nhau như nước với lửa cho nên “không có nền kinh tế thị trường nào lại có thể kết hợp cùng XHCN”. Họ suy diễn đây là một sự gán ghép khiên cưỡng, kìm hãm thể chế thị trường và kìm hãm cải cách, phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.
Thông qua các luận điệu trên, các đối tượng hướng đến đả kích vai trò, phương thức quản lý, điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Những người này cho rằng, các cơ quan quản lý không đủ năng lực, trình độ, đang sử dụng quyền lực nhà nước để can thiệp vào các hoạt động kinh tế một cách trái quy luật, làm cản trở phát triển kinh tế hoặc bóp méo thị trường nhằm trục lợi. Lợi dụng vấn đề trên, các đối tượng tiếp tục khoét sâu, thổi phồng những hạn chế, bất cập của nền kinh tế và những sai phạm, thiếu sót của các cá nhân, tổ chức trong các vụ án về kinh tế xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương để quy kết nguyên nhân là do lỗi hệ thống, muốn khắc phục phải thay đổi thể chế kinh tế. Thậm chí, họ còn cố tình xuyên tạc cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế, chống tham nhũng đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, đình trệ, ảnh hưởng xấu đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu. Các đối tượng rêu rao rằng, tham nhũng là bản chất chế độ cộng sản, có chống cũng chỉ là hình thức…
Bên cạnh đó, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối ở nước ngoài câu kết với một số đối tượng ở trong nước tổ chức các buổi livestream dưới dạng “hội luận” với thành phần tham gia được gắn mác “chuyên gia”, “luật sư”, “tiến sĩ”… Mục đích không gì khác là bôi đen, đả phá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, cho rằng vì yếu kém nên dẫn đến việc Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cũng như áp đặt các mức thuế quan cao. Thậm chí, một số đối tượng chống đối còn ảo tưởng rằng việc Việt Nam thừa nhận kinh tế tư nhân là dấu hiệu chuẩn bị cho sự “đổi màu” trong chính sách phát triển theo hướng TBCN, lu loa Việt Nam sắp “tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân”…
Đây là những quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm thực hiện mưu đồ xấu, gây tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, phát triển kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Từ đó, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên… Những luận điệu trên lại được núp bóng những “kiến nghị”, “góp ý”, “ý kiến tâm huyết” và được đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Snapchat, TikTok... đã gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý của người dân.
Chủ trương lớn khẳng định vai trò của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân
Lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người chứng minh kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của CNTB, đó là thành tựu phát triển cao của nền văn minh nhân loại, không thể và cũng chưa bao giờ là độc quyền của CNTB. Điều đó đồng nghĩa với việc, các nước XHCN, trong đó có Việt Nam sử dụng mô hình kinh tế này để thúc đẩy kinh tế - xã hội theo những nguyên tắc, mục đích riêng phù hợp với điều kiện của quốc gia. Vì vậy, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường”, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta được xác định dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, trung bình 6,37%/năm. So với các nước ASEAN, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, Philippines đạt 4,17%, Malaysia đạt 5,34%, Thái Lan đạt 4,48%, và Singapore đạt 4,51%. Thành tựu này thể hiện sự ổn định và khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế và khủng hoảng. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế... Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướngXHCN. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lạo động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Thực tiễn cho thấy, những kết quả mà kinh tế tư nhân đạt được đã chứng minh vai trò, vị trí “đòn bẩy” quan trọng của nền kinh tế. Chính trên cơ sở sự thay đổi, phát triển nhận thức đúng đắn, kịp thời về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân với những cơ chế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo những điều kiện, tiền đề để kinh tế tư nhân phát triển, không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh để trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Đa số doanh nghiệp tư nhân vẫn ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế. Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, tư duy kinh doanh còn thiếu tầm nhìn chiến lược, sự kết nối với doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo. Nguyên nhân của những hạn chế này được chỉ ra là do tư duy, nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân chưa đầy đủ và chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, phát triển kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ, Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế phù hợp trình độ không đồng đều của lực lượng sản xuất, nhằm huy động tối đa sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, mọi giai tầng xã hội vào phát triển kinh tế, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Cùng với phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, Đảng, Nhà nước ta xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Do đó, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm để tạo đà cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Vì vậy, Nghị quyết 68-NQ/TW khẳng vai trò của Đảng, Nhà nước cũng như quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Cần xác định rằng, Đảng, Nhà nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế hiệu quả với phương diện là con đường hiệu quả để huy động vốn, phát triển khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân chứ không phải là mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới. Để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà đặt trong “khuôn khổ”, đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp/1.000 dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10-12%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết 84-85% tổng số việc làm… Đến năm 2045, phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 60% GDP, và có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Với các thành tựu đạt được, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế năng động và có triển vọng của khu vực, thế giới. Cơ hội đang mở ra cho Việt Nam để phát triển kinh tế tư nhân là rất to lớn, cũng là minh chứng phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc về kinh tế tư nhân, làm chệch định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, chệch quỹ đạo xây dựng CNXH ở nước ta. Do đó, cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch này, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN Việt Nam nói chung và với đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước nói riêng.