Dấu ấn chuyển đổi số trên lĩnh vực giáo dục, y tế và nông nghiệp
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp (viết tắt là Nghị quyết số 04), tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nổi bật là chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế và nông nghiệp.
![Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng tạo mỹ thuật tại Trường Tiểu học An Thạnh 2 (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_424_51446861/c2581540210ec850911f.jpg)
Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng tạo mỹ thuật tại Trường Tiểu học An Thạnh 2 (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự)
Chú trọng phát triển hạ tầng số
Trên cơ sở Nghị quyết số 04, UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp làm cơ sở để các cấp, ngành thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách sống, làm việc, giao tiếp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đối với 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế và nông nghiệp đã ban hành Đề án chuyển đổi số riêng từng ngành để thực hiện. Tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn.
Từ năm 2023, việc thực hiện đánh giá, xếp hạng các đơn vị, địa phương dựa trên Bộ chỉ số trên đạt nhiều kết quả tích cực. Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong đó giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, đưa nội dung phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính (kinh tế số, xã hội số, chính quyền số) vào Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công bố kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Tháp phiên bản 2.0, làm căn cứ áp dụng các tiêu chí kỹ thuật kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm tính thống nhất dữ liệu do một đầu mối cung cấp và được sử dụng chung cho toàn tỉnh và đang triển khai nâng cấp thành kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 3.0, hướng tới chính quyền số.
![Hệ thống mạng lưới y tế trên địa bàn có khả năng thiết lập Hội chẩn từ xa đến các cơ sở khám, chữa bệnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_424_51446861/292ef536c17828267169.jpg)
Hệ thống mạng lưới y tế trên địa bàn có khả năng thiết lập Hội chẩn từ xa đến các cơ sở khám, chữa bệnh
Bên cạnh đó, để góp phần làm minh bạch, hiệu quả và đổi mới trong quản lý kinh tế - xã hội, hỗ trợ cải thiện tăng trưởng kinh tế và cung cấp thêm tiện ích cho người dân (thiết lập và triển khai các bộ dữ liệu dùng chung cho các ngành, lĩnh vực và dữ liệu mở cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể truy cập và khai thác), tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời đầu tư Trung tâm dữ liệu tỉnh triển khai theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng, các máy chủ có năng lực tính toán, chuyển mạch cao, dung lượng lưu trữ được mở rộng, đáp ứng các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Hạ tầng số được đầu tư phát triển kịp thời nhu cầu chuyển đổi số, thành lập Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, một số nền tảng quan trọng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh đã được đưa vào sử dụng như: Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP); nền tảng dữ liệu nông nghiệp số; nền tảng xử lý, phân tích dữ liệu camera giám sát; nền tảng hội nghị trực tuyến. Trong đó, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã chính thức kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Công tác bảo đảm an toàn thông tin được quan tâm đúng mức; tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin và kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của cơ quan, đơn vị, địa phương và phát hiện, cập nhật kịp một số lỗ hổng bảo mật, qua đó các tổ chức, cá nhân an tâm hơn khi sử dụng các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp.
Dấu ấn chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực
Qua thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành giáo dục, 100% các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến cấp THPT triển khai dạy học với mô hình giáo dục STEM và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, tổ chức các hội thi về giáo dục STEM. Bên cạnh đó, trên 91% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến THPT hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số. Các cơ sở giáo dục đều xây dựng học liệu số dùng cho đơn vị; xây dựng kho học liệu số chia sẻ cho toàn ngành cơ bản đạt 50%; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan, các cơ sở giáo dục trực thuộc được thực hiện trên nền tảng quản trị số; hơn 12.800 cán bộ quản lý, giáo viên được trang bị chữ ký số, tất cả cán bộ quản lý đều có chữ ký số phục vụ cho xử lý văn bản, ký học bạ điện tử số.
Tương tự, cụ thể hóa Đề án chuyển đổi số ngành y tế, hệ thống thông tin khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì ổn định giúp cơ quan quản lý ngành y tế nắm bắt kịp thời thông tin khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện theo thời gian thực. Hiện tại, 100% Trạm y tế tuyến xã được triển khai phần mềm quản lý Trạm y tế xã với đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; duy trì 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoặc thanh toán bằng thiết bị di động. Hệ thống điều hành y tế thông minh có thể kết nối dữ liệu đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh; có khả năng thiết lập Hội chẩn từ xa đến các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; 87% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; 165/165 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
![Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh TP Cao Lãnh (bìa phải) hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Phường 1, TP Cao Lãnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_424_51446861/8fbe51a665e88cb6d5f9.jpg)
Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh TP Cao Lãnh (bìa phải) hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Phường 1, TP Cao Lãnh
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nhất là cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thí điểm thực hiện Nền tảng số nông nghiệp (VDAPES) tại địa chỉ https://vdapes.com, đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương và có khả năng nhân rộng trong khu vực và toàn quốc; duy trì ổn định với 15 biểu mẫu báo cáo.
Mô hình “Làng thông minh” tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh cơ bản hoàn thành với khối lượng ước đạt 95%, đang triển khai nhân rộng đến các xã nông thôn mới nâng cao. Hiện có, 11 Hội quán, 17 Hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng; lắp đặt 6 Trạm quan trắc nước, 15 Trạm giám sát côn trùng sử dụng IoT trong việc tự động thu thập dữ liệu phục vụ cảnh báo, dự báo các bất lợi do thiên nhiên và dịch bệnh gây ra để kịp thời ứng phó. Duy trì vận hành 28 phần mềm/CSDL, trong đó có 19 phần mềm/CSDL do các đơn vị thuộc Trung ương triển khai, 9 phần mềm/CSDL do ngành chuyên môn triển khai.
Tỉnh tổ chức 4 Đoàn kiểm tra và 3 Đoàn giám sát công tác triển khai Nghị quyết số 04 tại các địa phương: TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và huyện Tháp Mười để kịp thời nắm tình hình, đánh giá và chỉ đạo đối với công tác triển khai thực hiện. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, công tác cụ thể hóa bám sát chủ trương, mục tiêu Nghị quyết số 04 đề ra, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và người dân Đất Sen hồng.